Năm 2024, Hậu Giang có 11 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) cấp Quốc gia.
Công ty TNHH Niềm My (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận SPCNNTTB. Theo Giám đốc Công ty Trần Minh Nìm thông tin: Thời gian qua, Công ty nhận được sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của tỉnh là máy hạ thủy phần, diệt men mật ong với giá trị 275 triệu đồng, đã giúp sản lượng mật tăng gấp 10 lần so với lúc trước, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Nhờ đó, người dân có thể tận dụng đất trống để trồng tràm, vừa bán được tràm vừa thu hoạch mật ong, góp phần tăng thu nhập. Đợt bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh năm 2024 vừa qua, Công ty được công nhận 02 sản phẩm là Mật ong Hương Tràm 500ml và 500g. Nhờ đó, sản phẩm tung ra thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nhiều hơn, từ đó góp phần giúp Công ty phát triển.
Giống như Công ty TNHH Niềm My, HTX Kỳ Như cũng là đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Theo đó, HTX được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư 01 máy sấy năng lượng mặt trời khoảng 500 triệu đồng. Đại diện HTX cho biết: Trước khi có máy sấy, HTX rất vất vả trong quá trình phơi khô cá, bởi khi làm thủ công phải cần 5 - 8 người đem cá phơi nắng, với số lượng khoảng 500kg. Khi trời mưa cần khoảng 10 người gom hàng lại, nếu làm không kịp sẽ bị ướt dẫn đến chất lượng kém đi. Nhờ có máy sấy năng lượng mặt trời, chất lượng sản phẩm đồng đều, không còn phải lệ thuộc mưa, nắng thất thường; giảm được 50% giá thành chi phí sản phẩm. Đến nay, người tiêu dùng đã đón nhận và tin tưởng thương hiệu HTX Kỳ Như. Sản phẩm đã có mặt trên nhiều tỉnh, thành như: Hậu Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Thông qua sự hỗ trợ của tỉnh Hậu Giang, kết hợp với sự nỗ lực của cơ sở tại những lần mang sản phẩm tham gia các kỳ bình chọn SPCNNTTB các cấp, HTX Kỳ Như đã có 03 sản phẩm được công nhận SPCNNTTB cấp tỉnh, 03 SPCNNTTB cấp khu vực và 01 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia. Qua đó, giúp HTX Kỳ Như khẳng định “chỗ đứng” của cá thát lát Hậu Giang trên thị trường cả nước.
Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang cho hay: Nhằm giúp các cơ sở, doanh nghiệp định vị được tiềm năng của mình, thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ cho các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận SPCNNTTB các cấp tham gia 46 kỳ hội chợ, 21 hội nghị kết nối cung cầu, 07 đoàn giao thương, 02 kỳ diễn đàn, 02 cuộc triển lãm và 01 hội thảo phát triển thương hiệu, nhãn hiệu. Thông qua đó, nhiều cơ sở đã tìm kiếm được thị trường, quảng bá sản phẩm, mở rộng khách hàng tiềm năng, giúp cho các cơ sở CNNT ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ hàng hóa. Điển hình như HTX Kỳ Như đã ký kết được 07 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 07 đơn vị có tổng lượng sản phẩm tiêu thụ hơn 16 tấn/tháng. Đặc biệt, sản phẩm Trà mãng cầu của các cơ sở đã có được thị trường tiêu thụ rộng khắp trên cả nước và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, giới thiệu tiêu thụ tại các nước như: Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, giúp cho lượng sản phẩm tiêu thụ tăng từ 2 đến 3 tấn/năm.
Được biết, năm 2024, ngành Công Thương tỉnh Hậu Giang đăng ký 03 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí thực hiện trên 4 tỉ đồng. Kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 được UBND tỉnh phê duyệt là 1,985 tỉ đồng cho 19 đề án/kế hoạch. Trong năm, tỉnh có 25 sản phẩm của 18 cơ sở CNNT tham gia bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực. Qua 9 tháng đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh) đã ký kết hợp đồng triển khai thực hiện đề án đối với 12/14 đơn vị thụ hưởng, các đơn vị thụ hưởng đang trong thời gian hoàn thiện việc lắp đặt máy móc tại cơ sở. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn của các cơ sở đầu tư phát triển sản xuất CNNT, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ từ hoạt động khuyến công là rất thiết thực đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, giúp cơ sở mạnh dạn đầu tư để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang nói riêng của cả nước nói chung.
An Nhi