Không chỉ đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, các vụ kiện chống bán phá giá, nguy cơ mất thị trường truyền thống… các doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay còn đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do FTA.
Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Đúc - luyện kim, mặc dù rất nhiều hiệp định thương mại đã có hiệu lực, nhưng qua 9 tháng năm 2015, ngành thép vẫn có tăng trưởng tốt. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp thép đã có sự chuẩn bị tốt, nhất là các doanh nghiệp được đầu tư sau này.
Cho dù vậy, đối với ngành thép nói chung, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần phải xem các Hiệp định FTA dưới góc độ thách thức nhiều hơn. Trong đó, thép Trung Quốc không chỉ đe dọa đối nguồn cung với các nước ASEAN hay Việt Nam, mà ảnh hưởng tới ngành thép của cả thế giới, bởi Trung Quốc chiếm tới hơn 1/2 sản lượng thép của thế giới.
“Trung Quốc đang ở giai đoạn kinh tế đi xuống, cùng với việc phá giá đồng NDT sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn trong thời gian tới, đây là điều Việt Nam cần phải chú ý. Tuy nhiên rất nhiều nước đã chống đối được bởi họ đã nâng các tiêu chuẩn lên, từ đó thép Trung Quốc không vào được”, ông Cường cho biết.
Tác động của các Hiệp định FTA tới các ngành kinh tế nói chung, ngành thép nói riêng luôn có tính 2 mặt. Cùng với các tác động tích cực, các Hiệp định FTA cũng đem lại rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Trong đó, ngoài việc thu ngân sách từ thuế nhập khẩu bị giảm đi, nguy cơ nhập khẩu tăng lên, doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp sản xuất thép lại phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ sản phẩm của nước ngoài.
Là nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, ông Tô Gia Kiêu - Phụ trách bán hàng của Công ty Liên doanh khoáng nghiệp Hằng Nguyên (Tuyên Quang) cảnh báo, hiện tại, thị trường thép Trung Quốc đang dư thừa rất nhiều, nếu Việt Nam không xây dựng các hàng rào thuế quan để bảo vệ sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được, doanh nghiệp thép sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Việt Nam có thể đưa ra nhiều chính sách nghiêm khắc hơn để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước, ít phải nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, ví dụ như việc giảm nhập khẩu các loại thép hợp kim khi các sản phẩm này có tỷ lệ nguyên tố hợp kim rất ít…”, ông Tô Gia Kiêu chỉ rõ.
Không chỉ phải cạnh tranh với các sản phẩm thép từ các nhà sản xuất thép khổng lồ, giá rẻ… các vụ kiện chống bán phá giá thời gian qua cũng như nguy cơ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá thép ngày càng tăng lên, đã ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp thép khi xuất khẩu thép ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, các vụ kiện chống bán phá giá thép sẽ ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu. Mặc dù chưa đến mức nghiêm trọng để mất thị trường nhưng việc xuất khẩu cũng không được như ý muốn.
“8 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu thép giảm 2% so với năm 2014. Do vậy, đối với các doanh nghiệp thép cần phải nâng cao nhận thức về quá trình tự do hóa thương mại, nắm được các luật lệ thương mại quốc tế, từ đó đề ra những chính sách ứng xử phù hợp, giảm thiểu thiệt hại trong các vụ tranh tụng thương mại. Tuy nhiên, đặc tính căn cơ nhất vẫn là doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh từ sản phẩm của chính mình bằng những biện pháp đổi mới công nghệ, nâng quy mô sản xuất và có cách thức điều hành linh hoạt, phù hợp hơn”, ông Sưa chỉ rõ.
Từ thực tế tham gia các FTA thời gian qua, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép cho rằng, các doanh nghiệp chưa tận dụng được thương mại hàng hóa mà chủ yếu mới quan tâm đến mức thuế suất là bao nhiêu %.
Cùng với đó, sự đan xen giữa các cam kết FTA đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn. Chẳng hạn, khi xuất khẩu sang Thái Lan, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong số các Hiệp định FTA của ASEAN như AFTA, ACFTA, AIFTA… Tuy nhiên, lựa chọn FTA nào để đạt kết quả tối ưu (thuế suất thấp nhất, quy tắc xuất xứ đơn giản nhất) thì không doanh nghiệp nào lựa chọn được. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có được một đầu mối thống nhất về việc giải thích các cam kết, hướng dẫn FTA.
“Việc giải thích, hướng dẫn áp dụng FTA vẫn còn tản mạn, chưa có một chiến lược nhất quán, cụ thể. Việc vận dụng cùng một quy định trong FTA, chẳng hạn việc áp dụng tiêu chí xuất xứ cũng không giống nhau giữa các địa phương. Do đó, VSA khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tổ chức nhiều hội nghị phổ biến tới các doanh nghiệp về các FTA đã ký kết”, ông Khải đề xuất.
Đối với các FTA đang đàm phán, ông Khải cho rằng, cần giữ được lộ trình cắt giảm thuế quan (3-5-7-10 năm) đối với các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được khi cung đã vượt cầu. Đồng thời, xây dựng và quản lý tốt các quy hoạch phát triển ngành, tránh tình trạng nhiều dự án ngoài quy hoạch, gây mất cân đối cung cầu về sản phẩm, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lượng./.
Nguồn: Vnsteel.vn