Những năm gần đây, thành phố đặc biệt chú trọng tới việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp tập trung, bảo đảm quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp ngày càng được đầu tư tốt hơn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến hết năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố đã lên tới 2.187 doanh nghiệp, tăng 25% so với năm 2015 và là địa bàn có số lượng doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất tỉnh.
Từ lợi thế có 4 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch 515,46 ha, thu hút 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký thực hiện đạt 16.278,11 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng thực tế là 256,63ha, trong đó KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Gia Lễ và KCN Phúc Khánh đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, KCN Sông Trà đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 40%. Ngoài ra, thành phố còn có 2 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất quy hoạch 87,1 ha, thu hút được 87 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư thực tế là 821,92 tỷ đồng. Các KCN này đã tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.
Cùng với việc phát triển và thu hút đầu tư, thành phố còn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường tới các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN, cụm công nghiệp với tiêu chí “sản xuất kinh doanh phải đi đôi với bảo vệ môi trường”. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý hiệu quả các nguồn thải trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, CCN ở TP Thái Bình đã đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại với các đơn vị ngoài tỉnh. Về nguồn nước thải, các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục huy động các nguồn lực và tìm hiếm công nghệ xử lý phù hợp để đầu tư và ứng dụng nhằm mục tiêu hạn chế tối đa việc thải nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường.
Bên cạnh việc phát triển các KCN, cụm công nghiệp, thành phố còn quan tâm tới việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó, một số làng nghề phát triển mạnh như làng nghề chế biến gỗ Đông Hải, làng nghề chế biến lương thực Nam Thọ... Nhờ đó giá trị sản xuất của làng nghề đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm 2016, giá trị sản xuất của làng nghề ước đạt 120 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để phát triển các KCN, cụm công nghiệp, đồng thời tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để kêu gọi thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp bằng việc xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách của nhà nước và tỉnh. Thông qua việc phát triển các khu, cụm công nghiệp sẽ giúp giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng cao, đóng góp vào quá trình phát triển CNH – HĐH đất nước.
Hoa Nguyễn