Thứ Bẩy, 23/11/2024 20:56:54 GMT+7
Lượt xem: 1074

Tin đăng lúc 04-11-2021

Hòa Bình: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác khuyến công

Những năm gần đây, do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nói riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ, động viên các cơ sở, doanh nghiệp CNNT là hết sức cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Hòa Bình: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác khuyến công
Hoạt động khuyến công tỉnh Hòa Bình đã tạo đà cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển

Hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp được sự chỉ đạo của Sở Công Thương đã triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ trung bình là 1,2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ trung bình là 450 triệu đồng. Các chương trình, đề án khuyến công của tỉnh đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn.

 

Qua kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của các cơ sở CNNT và quá trình vận hành của các máy móc, thiết bị được hỗ trợ từ các đề án khuyến công trong thời gian qua thì đa số các cơ sở hoạt động tương đối ổn định. Các thiết bị mới được hỗ trợ từ đề án khuyến công đã giúp các đơn vị thụ hưởng nâng cao năng suất, giảm chi phí thuê nhân công, giảm chi phí sản xuất sản phẩm, tạo ra được nhiều mẫu mã khó, phong phú, đòi hỏi kỹ thuật cao… Do đó, sản phẩm của các doanh nghiệp ngày càng tạo được uy tín với khách hàng khó tính, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đề ra một số giải pháp sau:

 

Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công: Tăng cường tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đúng tiến độ, mục đích và đạt hiệu quả cao; chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến các chủ cơ sở CNNT kiến thức về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động khuyến công; duy trì thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và các trang chuyên đề về hoạt động và kết quả của hoạt động khuyến công, nhằm phổ biến, truyền tải kịp thời, đầy đủ về cơ chế, chính sách hoạt động khuyến công.

 

Hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm: Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú... phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.

 

Thanh Trà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang