Chủ Nhật, 08/12/2024 01:33:42 GMT+7
Lượt xem: 1395

Tin đăng lúc 11-11-2024

Hoạt động khuyến công chắp cánh cho kinh tế thành phố Sông Công phát triển

Là đô thị loại II thuộc tỉnh Thái Nguyên, những năm qua, thành phố Sông Công đã tập trung mọi nguồn lực để ra sức phát triển KT - XH địa phương. Nhờ vậy, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững… Đóng góp vào những thành tích chung rất đáng tự hào đó, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) khi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, cùng các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Hoạt động khuyến công chắp cánh cho kinh tế thành phố Sông Công phát triển
Diện mạo đô thị thành phố Sông Công ngày càng khang trang, hiện đại

Nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi khi cách thành phố Thái Nguyên 20km về phía Nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km và cách Thành phố Hà Nội 50km về phía Bắc, Sông Công có lợi thế về giao thương với các vùng kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Từ nhiều năm qua, nhờ không ngừng nâng cao năng lực thích ứng, cũng như linh hoạt trong phát triển KT-XH, thành phố Sông Công luôn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm nhanh nhất khu vực phía Bắc. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, song hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.640 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2023; Giá trị xuất khẩu đạt 143 triệu USD, tăng 50,53% so với cùng kỳ năm trước đó… Tuy nhiên, có một thực tế đã được chỉ ra đó là bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ đó thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đang gặp phải khó khăn trong việc đối ứng nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất.

         

Để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khu vực thành phố Sông Công, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã luôn bám sát và chủ động đồng hành cùng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Sông Công triển khai 12 đề án hỗ trợ đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị cho doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn.

 

         

 

Hệ thống máy cắt CNC và máy cắt Plasma đã và đang mang lại nhiều hiệu quả cho Công ty TNHH Nguyễn Tú Dương

 

Là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Nguyễn Văn Lập – Chủ tịch Hội đồng các thành viên Công ty TNHH Nguyễn Tú Dương (phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công) chia sẻ: Trước đây, do nguồn vốn còn hạn chế nên doanh nghiệp cơ khí chúng tôi chưa thể đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc. Tuy nhiên đứng trước đòi hỏi về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường, chúng tôi đã nỗ lực chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Cách đây 03 năm, được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 80 triệu đồng để thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cơ khí”, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thêm gần 124 triệu đồng để mua mới hệ thống máy cắt CNC và máy cắt Plasma. Sau thời gian ứng dụng máy móc mới, chúng tôi nhận thấy năng suất làm việc đã được tăng lên hàng chục lần; Máy móc vận hành ổn định, tuổi thọ cao, tiết kiệm đáng kể điện năng trong sản xuất; Sản phẩm cơ khí làm ra đồng đều, đạt chất lượng tối ưu nhất và không bị lỗi; … Từ đó đã giúp tăng thêm uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường”.

         

Ông Ngô Quảng Bá – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sông Công, đánh giá: Thông qua quá trình kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy chương trình khuyến công đang phát huy tốt tính hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm được nhiều chi phí nhân công, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao phục vụ thị trường. Trong năm 2024 này, sau khi thống kê, kiểm đếm, chúng tôi nhận thấy số lượng cơ sở CNNT cần sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công còn rất lớn. Do vậy, đơn vị đã kiến nghị Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển tốt, sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như đảm bảo vai trò là vệ tinh cho các khu công nghiệp.

         

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên, khẳng định: "Đến nay, theo đánh giá của Trung tâm, toàn bộ các đề án hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Sông Công đều đạt yêu cầu về tính hiệu quả. Theo đó, các đơn vị đều nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, các đề án đã tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời, khuyến khích được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn đổi mới đầu tư dây chuyền công nghệ cao, máy móc hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt, điều này đã gia tăng đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và đảm bảo tính ổn định an ninh, chính trị, xã hội trên địa bàn".

         

Thông qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, có thể khẳng định, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Sông Công nói riêng và của tỉnh nhà nói chung từng bước ổn định sản xuất. Từ đó, tạo đà bứt phá cho CNNT phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại.

 

Tuấn Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang