Trong giai đoạn 2008 – 2017, tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương là 1.859,665 tỷ đồng, trong đó, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT là 569,276 tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng kinh phí khuyến công thực hiện được.
Chương trình đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và nâng cao năng lực quản lý cho các DN, cơ sở CNNT có nhu cầu đổi mới sản phẩm, mở rộng sản xuất. Cụ thể, đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 451.000 lao động, với kinh phí thực hiện là 470,439 tỷ đồng; đào tạo về khởi sự và nâng cao năng lực quản lý cho 70.392 lượt cán bộ quản lý, điều hành tại các cơ sở CNNT, với kinh phí thực hiện là 98,837 tỷ đồng.
Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (tối đa 3 tháng) gắn với DN, cơ sở CNNT. Các Sở Công Thương đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu của DN, cơ sở CNNT. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, chương trình đào tạo, lấy mục tiêu là trang bị cho người lao động (NLĐ) các kỹ năng, kỹ thuật phù hợp với thực tế đầu tư trang thiết bị, công nghệ của DN, đảm bảo NLĐ sau đào tạo có khả năng vào làm việc ngay được trên dây chuyền sản xuất của đơn vị. Do các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của DN, vì vậy, tỷ lệ NLĐ có việc làm sau đào tạo rất cao, đạt tới 95,54%.
Nói về hiệu quả mà hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề mang lại cho DN, bà Ngô Thị Diệu Linh, Giám đốc Công ty TNHH May Phù Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Là một DN chuyên may các sản phẩm áo jacket xuất khẩu gián tiếp sang thị trường các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ. Bởi tay nghề của công nhân được nâng cao thì mới tăng năng suất lao động, đồng thời, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng của các đơn hàng xuất khẩu. Năm 2017, việc phối hợp của Trung tâm Khuyến công Sơn La với Công ty trong đào tạo nguồn lao động là hình thức hỗ trợ rất phù hợp và thiết thực, giúp DN chúng tôi có được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, giảm tối đa chi phí đào tạo đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp DN, cơ sở CNNT bổ sung lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chủ động được nguồn lao động. Đồng thời, tạo điều kiện để NLĐ tiếp cận với nghề có thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp./.
Minh Vũ