Thứ Sáu, 22/11/2024 01:12:29 GMT+7
Lượt xem: 1617

Tin đăng lúc 29-09-2020

Hoạt động khuyến công đồng hành cùng ngành Chè Thái Nguyên phát triển

Được coi là “cái nôi” của ngành Chè Việt Nam, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã xác định chè là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các sản phẩm chè của địa phương đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường trong nước, cũng như trên thế giới.
Hoạt động khuyến công đồng hành cùng ngành Chè Thái Nguyên phát triển
Thái Nguyên có vùng nguyên liệu chè lớn nhất cả nước

Để có được những kết quả đó cũng là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC) khi đã  hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè.

 

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích canh tác cây chè với hơn 22.500 ha. Từ năm 2010, toàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng thay thế những nương chè già cỗi, năng suất và chất lượng thấp bằng các giống chè mới cho năng suất tốt, chất lượng cao, nhằm phục vụ chế biến ra những sản phẩm chè xanh cao cấp, đặc sản. Đến nay, diện tích chè giống mới của toàn tỉnh đã đạt hơn 80%. Tuy nhiên, dù đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, nhưng do bất cập trong khâu chế biến, bảo quản đã khiến cho các sản phẩm chè của Thái Nguyên đang thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Trước thực trạng này, hàng năm, TTKC Thái Nguyên đã lập kế hoạch hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn cải tiến công nghệ, hoặc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó, TTKC đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp về vốn để đầu tư hệ thống máy móc, cũng như tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về tính hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất chè, nhằm giúp các cơ sở từng bước tiếp cận, chuyển đổi và ứng dụng thành công. Nổi bật, trong năm 2020 này, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, TTKC Thái Nguyên đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) để mua mới một máy đóng gói trà túi lọc tự động Model AP-TT200 và máy sản xuất kẹo trà xanh Model TP18.

 

Ưu điểm của máy đóng gói trà túi lọc tự động và máy sản xuất kẹo trà xanh là nguồn vốn đầu tư ban đầu không quá lớn. Hơn nữa, nhà xưởng để làm việc cũng rất đơn giản, không đòi hỏi cầu kỳ giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất. Ngoài ra, hệ thống máy móc được thiết kế nhỏ gọn nên việc vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, không như những thiết bị công nghiệp sản xuất trà khác là mỗi công đoạn phải có nhiều công nhân thực hiện, với hệ thống máy đóng gói trà túi lọc và máy sản xuất kẹo trà xanh thì toàn bộ quá trình sản xuất đều được tự động hóa. Mỗi giờ, máy có thể đóng gói được 100 túi trà/phút và làm ra 12.000 chiếc kẹo trà xanh/giờ.

 

 

Các sản phẩm chè của Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường trong nước, cũng như trên thế giới

 

So với phương pháp làm thủ công trước đây, hai hệ thống máy móc này cho hiệu suất làm việc cao hơn rất nhiều. Bởi, máy tự động hoàn thiện các khâu cấp liệu, gắp tem chỉ, tạo túi, đóng gói, tạo dễ xé. Sản phẩm làm ra gồm hai lượt túi, bên trong là túi đóng sản phẩm với màng lọc và tem chỉ. Bên ngoài là túi màng ni lông có tác dụng giữ hương, chống ẩm cho sản phẩm và có tính thẩm mỹ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, máy sản xuất kẹo trà xanh đã đạt tới tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến và khả năng làm việc có thể đạt tới 300 kg nguyên liệu/giờ.

 

Ông Tô Văn Khiêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc, cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, cũng như tiềm năng về đầu ra của các sản phẩm từ trà xanh, Hợp tác xã chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, sân kho, máy móc,… Ban đầu, Đơn vị đã gặp không ít những khó khăn, nhưng được sự quan tâm và ủng hộ của TTKC Thái Nguyên thì đến nay, Hợp tác xã đã có những bước phát triển tích cực. Các sản phẩm trà làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định như hiện nay, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho Hợp tác xã; Đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh nên Hợp tác xã đã có điều kiện thu gom một lượng lớn chè xanh từ người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như mở rộng diện tích đất trồng chè tại địa phương.

 

Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè cho Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc chỉ là một trong nhiều đề án mà TTKC Thái Nguyên đã triển khai trong kế hoạch khuyến công năm 2020. Trước đó, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến chè cho các đơn vị như: Công ty Cổ phần trà Việt Thái (xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên); Công ty Cổ phần NTEA Thái Nguyên (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), … đã hoàn thành. Theo đánh giá của các đơn vị được thụ hưởng, sự hỗ trợ của TTKC đã giúp các cơ sở cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các đề án đều góp phần phát triển các ngành sản xuất, chế biến chè trên địa bàn và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà.

 

Minh Trí


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang