Thứ Năm, 21/11/2024 19:43:34 GMT+7
Lượt xem: 4680

Tin đăng lúc 07-01-2015

Hoạt động khuyến công: Nhiều đổi mới hiệu quả

Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã góp phần thiết thực phát triển kinh tế vùng nông thôn. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là việc đổi mới trong hoạt động khuyến công.
Hoạt động khuyến công: Nhiều đổi mới hiệu quả
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ triển lãm

Hiệu quả lớn

 

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, những năm qua đã có hàng trăm tỷ đồng mỗi năm được dành cho hoạt động khuyến công, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương ly nông bất ly hương và công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn, đặc biệt là vùng kinh tế khó khăn.

 

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011- 2013 và kế hoạch năm 2014, khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho gần 94.000 lao động; hỗ trợ xây dựng 221 mô hình trình diễn kỹ thuật, 142 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển giao công nghệ, tham gia hội chợ triển lãm trong nước với 5.126 gian hàng tiêu chuẩn; hỗ trợ tổ chức 6 hội chợ triển lãm và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 25 cụm công nghiệp…

 

Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhất là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ... Kết quả rà soát hoạt động tại các cụm công nghiệp (CCN) của 14 địa phương cho thấy, đã có 1.463 dự án đầu tư vào CCN, giải quyết việc làm cho 56.700 lao động; góp phần thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN địa phương theo định hướng quy hoạch; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, khuyến công còn góp phần cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là việc thực hiện tốt đổi mới hoạt động khuyến công.

 

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa

 

Bắt đầu từ cơ chế

 

Trước hết là việc Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (NĐ 45) ra đời đã được các địa phương đón nhận bởi có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, như: Mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách khuyến công. Đối với các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn không phân biệt quy mô, loại hình doanh nghiệp và địa bàn đầu tư sản xuất, nghị định bổ sung thêm mục tiêu của hoạt động khuyến công là khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và hoạt động tư vấn khuyến công; bổ sung nội dung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các trung tâm khuyến công cấp vùng và cấp tỉnh. Ngoài ra, nghị định có thêm nội dung mới là nguyên tắc ưu tiên. Theo đó, sẽ có sự ưu tiên hỗ trợ theo địa bàn và theo ngành nghề. Các chương trình, đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên được quan tâm hơn khi xét giao kế hoạch, mức kinh phí so với quy định chung. Về tổ chức hệ thống khuyến công, nghị định còn bổ sung quy định tổ chức hệ thống khuyến công từ trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã. Chế độ đối với cộng tác viên khuyến công cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai.

 

Để việc triển khai Nghị định 45 được thuận lợi, Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Thông tư 46). Ngày 27/12/2013, ban hành Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Theo đó, khi xét giao kế hoạch hàng năm, sẽ ưu tiên các đề án khuyến công quốc gia điểm, xét ưu tiên về ngành nghề, địa bàn theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BCT.

 

Ngày 18/2/2014, Liên Bộ Tài chính, Công Thương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.

 

Trong năm 2014, Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn trên cả nước để phổ biến về các chính sách mới.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, phấn đấu đào tạo cho khoảng 40.000 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 4.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng 40 mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị, máy móc công nghiệp cho 250 cơ sở…; nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp; xây dựng quy trình, quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền…

 

Đến những kinh nghiệm hay

 

Cùng với việc đổi mới cơ chế, phương thức, tổ chức hoạt động của hệ thống khuyến các địa phương cũng có nhiều đổi mới với những kiệm nghiệm hay. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã tích cực củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp: Kiện toàn bộ máy tổ chức; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức học tập kinh nghiệm để vận dụng tại địa phương. Công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú, nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp về chính sách khuyến công.

 

Trong quá trình đổi mới, nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay, phù hợp và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như Thái Bình đã thực hiện hiệu quả từ các mô hình trình diễn. Nhờ tổ chức các hội nghị trình diễn mô hình kỹ thuật tiên tiến có sự tham dự của nhiều chủ DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo ngành nghề sản xuất phù hợp nên nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật của Thái Bình đã phát huy hiệu quả và ngày càng được nhân rộng. Với Hà Giang là thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa khuyến công, thương mại với khuyến nông và sản xuất nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển trong mối quan hệ gắn bó đồng bộ với nhau. Hòa Bình: Khuyến công cơ sở bám sát kinh tế - xã hội địa phương khi xây dựng kế hoạch khuyến công, trong đó chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực. Ngoài ra còn hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi của khuyến công Lâm Đồng hay Quỹ Khuyến công của Tuyên Quang…

 

Theo Hồng Dương

baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang