Đến dự có Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương; bà Nguyễn Thu Thúy - Đại diện Bộ Tài chính; ông Phan Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và 120 đại biểu lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Thương mại 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, Ông Dương Quốc Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương báo cáo tình hình công tác khuyến công diễn ra trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 với những diễn biến tích cực, vượt khó và hoàn thành các mục tiêu được giao. Tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2015 của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là: 32,734 tỷ đồng, đạt 92,88%. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia đạt 12,591 tỷ đồng; Kinh phí khuyến công địa phương đạt 20,143 tỷ đồng.
Nội dung hoạt động khuyến công bao gồm 9 chương trình, chủ yếu gồm: Đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và trình diễn kỹ thuật…
Bà Nguyễn Thu Thúy - Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị
Năm 2016, công tác khuyến công đã có chuyển biến rõ rệt, quy mô chất lượng đề án được nâng cao, tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc, kết quả thực hiện kế hoạch khuyến công của khu vực trong những tháng đầu năm chưa cao, tiến độ chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Theo đó, với kế hoạch, tổng kinh phí khuyến công năm 2016 được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN đạt trên 39,144 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho 303 lao động; 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; 60 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; gần 133 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia hội chợ trong nước...
Nhiều đại biểu từ các địa phương đã bày tỏ những kiến nghị thiết thực tại Hội nghị. Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Theo quy định, kinh phí hỗ trợ phải được giải ngân trong năm, vì vậy việc lựa chọn đề án phần lớn dựa vào cơ sở đã và đang đầu tư nếu xảy ra sự cố nguồn vốn đối ứng bị ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp tới đến tiến độ triển khai. Mức hỗ trợ theo quy định đã thấp lại không đạt mức tối đa theo quy định nên kém hấp dẫn. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ các đề án khuyến công quốc gia kéo dài cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện.
Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng phản ánh, mức chi cho bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực là quá thấp, rất khó cho địa phương triển khai thực hiện. Để tạo thêm sức hấp dẫn cho chương trình, cần nâng mức hỗ trợ cho bình chọn cấp khu vực lên 200 triệu đồng/lần, cấp quốc gia 300 triệu đồng/lần.
Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho rằng, công tác khuyến công khu vực MT-TN đã có những khởi sắc đáng trân trọng. Tỷ lệ giải ngân năm 2015 đạt 90% như vậy là khá cao. Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các đề án đều đã hoàn thành hồ sơ để ký hợp đồng triển khai. So với các vùng khác trên cả nước, MT-TN đạt tỷ lệ hoàn thành cao nhất. Đặc biệt có những địa phương đến nay đã tạm ứng, nghiệm thu xong 2/3 kế hoạch năm. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của các địa phương trong triển khai hoạt động khuyến công.
Cục Công nghiệp địa phương đã đăng ký sửa đổi Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Thông tư số 36/2013/TT-BCT về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Việc điều chỉnh về quy trình, thời gian xây dựng kế hoạch, phê duyệt đề án, mức chi hỗ trợ sẽ phù hợp với thực tế.
Trao Bằng khen của Bộ cho các đơn vị có thành tích trong công tác khuyến công
Triển khai công tác khuyến công 6 tháng cuối năm 2016, Hội nghị đã thống nhất quan điểm cần tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển ngành và hoạt động khuyến công, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về khuyến công; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách đối với hoạt động khuyến công.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương đã trao Bằng khen Bộ Công Thương cho 12 Tập thể và 27 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác khuyến công năm 2015 và trao cờ đăng cai Hội nghị năm 2017 cho Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Văn Thuận