Rộng cửa đón nhà đầu tư công nghệ cao
Tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta Computer Inc, chỉ trong 1,5 ngày, kéo dài khoảng 36 giờ và chỉ sau 15 ngày ký thỏa thuận phát triển dự án.
Tập đoàn Quanta - một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới chọn Nam Định làm địa điểm để xây dựng nhà máy mới cho thấy, để thu hút các doanh nghiệp lớn không chỉ cần hạ tầng cứng mà còn cơ chế mềm, môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Dự án này có diện tích hơn 225.000 m2 đất thuộc KCN Mỹ Thuận, với mục tiêu hoạt động sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, cụ thể hơn là sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn; công suất thiết kế dự kiến 4.500.000 máy tính/năm.
Theo ông Huang Chen-Tang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quanta tại nước ngoài, Quanta lựa chọn Nam Định để đặt nhà máy bởi nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà máy sản xuất máy tính của Quanta sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Được biết, Tập đoàn Quanta Computer thành lập năm 1988, là một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới. Ngoài lĩnh vực kinh doanh sản xuất máy tính xách tay, Quanta đang mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây, giải pháp mạng doanh nghiệp, sản phẩm truyền thông di động, sản phẩm nhà thông minh, điện tử tự động, chăm sóc sức khỏe thông minh, IoT và ứng dụng AI.
Trước khi ký kết thỏa thuận phát triển dự án tại tỉnh Nam Định (Việt Nam), Tập đoàn Quanta Computer có 8 nhà máy sản xuất máy tính trên thế giới, đặt tại Trung Quốc, Mỹ, Mexico, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất máy tính tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) là nhà máy thứ 9 của Tập đoàn Quanta Computer trên toàn thế giới và là dự án đầu tiên của nhà đầu tư này tại Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong và Công ty Công nghệ P-Duke
Mới đây ngày 21/10, tỉnh Nam Định cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM của Nhà đầu tư P-DUKE Technology Co.,Ltd vào KCN Mỹ Thuận với tổng diện tích đất sử dụng 32.350,5m2 tại KCN Mỹ Thuận.
P-DUKE là một công ty có trụ sở tại Đài Loan được thành lập vào năm 1992, chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm chuyển đổi năng lượng hiệu suất cao gồm bộ chuyển đổi DC/DC, bộ nguồn AC/DC và cung cấp các giải pháp chuyển đổi nguồn tùy chỉnh.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, có đội ngũ kỹ thuật vững mạnh, hỗ trợ nhanh chóng và chuyên nghiệp trong các vấn đề thiết kế hệ thống liên quan đến nguồn điện, nhất là lựa chọn giải pháp nguồn tối ưu hoặc đề xuất cho mạch EMI... P-DUKE hiện đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong thị trường chuyển đổi năng lượng thấp, đã chiếm lĩnh được các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương...
Chủ tịch Công ty TNHH P-Duke Technology trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định trong suốt quá trình xúc tiến, tìm hiểu, đàm phán và hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM. Đồng thời, khẳng định việc đầu tư dự án tại Nam Định có giá trị, vai trò cao trong thúc đẩy tăng trưởng của Công ty điện tử P-DUKE trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Công ty tin tưởng sẽ đạt thành tựu cao và cam kết sẽ đầu tư hệ thống thiết bị máy móc, công nghệ cao, bảo vệ môi trường.
Không ồ ạt thu hút đầu tư
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, tỉnh Nam Định có những cách đi riêng trong việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Thay vì ồ ạt mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư thì Nam Định ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào các khu công nghiệp.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, quan điểm của Nam Định trong thu hút đầu tư rất đúng đắn. Bởi chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam gần đây đang có xu hướng chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang có chọn lọc nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, hạn chế các dự án tác động tiêu cực tới môi trường hay sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng…
Ông Long cho rằng, để có được những "tổ đại bàng" thật sự lớn ngoài câu chuyện hoàn thiện hạ tầng cứng như mặt bằng cơ sở sản xuất, giao thông, điện nước, thì cần có cơ chế mềm như cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng giải quyết nhanh gọn, chính xác nhu cầu của nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường…
Hiện nay, Nam Định đang đầu tư về hạ tầng giao thông, quy hoạch kinh tế - xã hội tới 2030, tầm nhìn 2050 để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tỉnh cũng có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư theo hướng riêng. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng đáp ứng cao nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nam Định cũng đã chỉ đạo thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế động lực gồm xây dựng vùng kinh tế biển thành cực tăng trưởng phía Nam; xây dựng phát triển thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng…Đây được cho là các không gian mới để các doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định tập trung thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ưu tiên các ngành sản xuất điện, điện tử, phụ tùng thiết bị phụ trợ, cơ khí... đồng thời, cam kết luôn sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư, luôn đồng hành, hỗ trợ để các nhà đầu tư được hưởng đầy đủ các ưu đãi về đầu tư theo quy định hiện hành.
Nam Định kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao để nhanh chóng được lấp đầy diện tích, tạo “đột phá” về thu ngân sách cho tỉnh.
Trường An