Thứ Bẩy, 23/11/2024 21:00:44 GMT+7
Lượt xem: 1197

Tin đăng lúc 24-11-2021

Huyện Tiền Hải: Triển khai các văn bản về công tác khuyến công

Khuyến công Thái Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Bình về công tác khuyến công.
Huyện Tiền Hải: Triển khai các văn bản về công tác khuyến công
Ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình tham dự Hội nghị

Trong những năm qua, UBND tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên địa bàn huyện Tiền Hải như: Phát triển du lịch; Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; Đầu tư thành lập các khu, cụm công nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa... Bên cạnh đó, tỉnh đã phổ biến các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh với mục tiêu không xả thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và nguồn nguyên, nhiên vật liệu... Đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc tiên tiến phát triển sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

 

Nằm trong chuỗi đề án khuyến công năm 2021, ngày 04/11/2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình phối hợp với phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiền Hải tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình về công tác khuyến công, thu hút được gần 200 đại biểu tham dự.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Đây là hội nghị mang tính chiến lược, truyền tải những cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), Hợp tác xã (HTX); Hộ kinh doanh (HKD); DN, bao gồm: Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; Xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Tổ chức, tham gia hội chợ; Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; Nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNNT… tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

 

Bên canh đó, Sở Công Thương là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản, chính sách phù hợp giải quyết những khó khăn giúp địa phương, DN, đặc biệt, là những cơ quan, tổ chức phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn..

 

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Lanh – Chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tiền Hải cho biết: Tiền Hải một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có diện tích đất tự nhiên 23.13,3 ha, nằm giữa hai cửa biển Trà Lý và Ba Đạt; có chiều dài bờ biển 23 km, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng ở vùng biển duyên hải Bắc Bộ. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ các cơ sở CNNT, DN nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh là việc làm rất quan trọng. Để làm được điều đó, các tổ chức, cá nhân cần nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, những thông tin thị trường, ứng dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất, thay đổi mẫu mã… tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Gia Tín – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định thuyết trình một số chính sách về khuyến công

 

Phần hướng dẫn phổ biến các quy định của Nhà nước tại Thông tư số: 28/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính; Quyết định số: 11/2020/QĐ-UBND của tỉnh Thái Bình về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn, tiến sỹ Nguyễn Gia Tín – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định nhấn mạnh, đối với các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận được nguồn vốn khuyến công theo quy định. DN cần thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, vừa tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên; giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Bên canh đó, để thực hiện thành công chương trình thì các cán bộ làm công tác khuyến công, làm công tác thương mại - dịch vụ tại địa phương rất quan trọng, nắm rõ thực trạng của địa phương để triển khai chương trình hiệu quả nhất, và đây được ví như một cánh tay nối dài của ngành Công Thương.

 

Hiện nay, TTKC tỉnh Thái Bình đang thực hiện 2 chương trình từ 2 nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Theo bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc TTKC, đối với nguồn kinh phí khuyến công địa phương do Sở Công Thương trình Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí này. Với nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia thì TTKC trình Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương phê duyệt phân bổ cho tỉnh, TTKC trực tiếp thực hiện phân bổ nguồn kinh phí này tới các đơn vị doanh nghiệp được thụ hưởng. Quy trình thực hiện thì các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị… có nhu cầu được hỗ trợ nguồn kinh phí này, liên hệ với Phòng Kinh tê – Hạ tầng của huyện sẽ được hướng dẫn làm thủ tục xây dựng đề án phê duyệt thực hiện.

 

Sau khi được nghe chuyên gia phổ biến văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình về công tác khuyến công, các tổ chức, cá nhân tham dự rất phấn khởi, đóng góp ý kiến sôi nổi, nhiệt tình và mong muốn các chuyên gia, cán bộ khuyến công hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp tham gia và được hỗ trợ nhằm tháo gỡ một phần khó khăn.

 

 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Mong – Chủ tich Hội Nông dân xã Đông Phong, huyện Tiền Hải cho hay, ông rất đồng tình với Hội nghị đã diễn ra bởi, Tiền Hải là huyện ven biển, các ngành nghề như: Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản rất phát triển. Do vậy, địa phương cần được hỗ trợ đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường… Thông qua hội nghị này, ông rất mong muốn đồng hành cùng người dân, DN tham gia, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những giải pháp hữu ích để DN tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình khuyến công.

 

Đại diện các DN dự hội nghị lần này, ông Nguyễn Xuân Khánh - Công ty CP Gốm sứ Long Hầu, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải chia sẻ: Hiện nay, các DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về chính sách, lẫn đầu tư phát triển sản xuất; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; Cải tiến mẫu mã; Giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Thời gian tới, Công ty sẽ nghiên cứu đầu tư cho sản xuất, lập kế hoạch xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công nhằm tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

 

Qua Hội nghị, cho thấy đã tạo được sự lan tỏa từ các chương trình khuyến công, khuyến khích, hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở CNNT đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị; ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo bước đột phá mới trong chiến lược phát triển quan trọng của Thái Bình, vùng biển duyên hải Bắc Bộ nước ta.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang