Saigontex-Saigonfabric 2025 quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm (tăng 6% so với năm ngoái) đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Mỹ, Hà Lan, Pakistan, Pháp, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ...
Trong đó, các đơn vị triển lãm chuyên về Nguyên liệu dệt, Vải & Phụ liệu may mặc có thể kể đến những cái tên như: Baihe, Brotex, Dalat Worsted Spinning, Daluen, DH Textile, Eastman, Jay Chemical (India), Junzu, Grand Textile, Hong Viet, Hwajong label, Hyosung, KCC, Morito, Moririn, Marushin, Nhat Quang label, Nice Trims, SAB, Sankei, Shanghai Higoal, Sansin – Hoa Vương, Shindo, Shint, Shimada Shoji, Taiwan Textile Federation, TengLong,Trend Textile, Thinh Gia Huy, TTC, Van Nang, Viet Thanh ( Xing Yue) XDD Textile,YKK, …
Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu gần như đầy đủ chuỗi cung ứng của ngành dệt may; kết nối nhà sản xuất, nhà cung cấp và khách hàng, tại Saigontex-Saigonfabric 2025 còn có một số hoạt động đáng chú ý như cụm gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ, thúc đẩy thương mại giữa nhà triển lãm trong và ngoài nước…
Ban tổ chức cũng thiết lập một khu kết nối thương mại chuyên sâu nhằm thúc đẩy các kết nối thương mại quan trọng giữa các nhà triển lãm và khách hàng. Khách tham quan sẽ có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu quốc tế hàng đầu cũng như một loạt các nhà cung cấp giới thiệu những đổi mới và công nghệ mới nhất trong sản xuất dệt may.
Các thiết bị, nguyên phụ liệu ngành dệt may được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Saigontex-Saigonfabric 2025 diễn ra từ nay đến ngày 12/4, còn có chương trình Thuyết trình sản phẩm và Diễu hành thời trang mùa 2 (Chương trình PPP) với 8 chủ đề mang đến cho khách tham quan cơ hội tiếp cận những thương hiệu quốc tế hàng đầu. Còn các nhà cung cấp giới thiệu những đổi mới và công nghệ mới nhất trong sản xuất dệt may. Đây là hoạt động điểm nhấn nổi bật với các nhà triển lãm chất lượng cao, giới thiệu những tiến bộ mới nhất trong ngành dệt may tới những người mua tiềm năng tại Việt Nam, với tám danh mục sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng. Chương trình sẽ bao gồm các sản phẩm trưng bày tĩnh, trình diễn sản phẩm trực tiếp và diễu hành thời trang. Năm nay, chương trình sẽ đem đến chủ đề mới “ Công Nghệ Sản Xuất” được rất nhiều nhà triển lãm quan tâm giới thiệu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM đánh giá, dệt may là ngành công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, không những có đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại trong và ngoài nước, mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong suốt những năm qua.
Cụ thể, trong năm 2024, ngành dệt may với giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 11,26% so với năm 2023), nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
“Triển lãm quốc tế Ngành công nghiệp Dệt & May – Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2025 là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó các doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư trong thời gian tới. Trong suốt 35 năm qua, triển lãm SaigonTex – Hanoitex không chỉ là dịp để giới thiệu những thành tựu của ngành dệt may Việt Nam từ nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị đến thành phẩm, mà còn là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm, kết nối các đối tác, nhà cung cấp uy tín thúc đẩy mối quan hệ giao thương tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi từ các hiệp định thương mại, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần vào phát triển ngành Dệt May Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực và quốc tế”, ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.
Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đạt được nhiều thành quả, nhưng trong thời gian tới, ngành vẫn còn phải đối đầu với nhiều thách thức lớn như sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đoán định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống...
Để vượt qua những khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Qua đó, đảm bảo mục tiêu từ nay đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ giai đoạn năm 2031-2035, ngành dệt may phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quam từ ngày 09 – 12/4/2025. Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra các buổi hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin thị trường, thuế quan và công nghệ mới nhất trong ngành dệt may.
PV