Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:55:58 GMT+7
Lượt xem: 1011

Tin đăng lúc 28-09-2022

Khánh Hòa: Chính sách khuyến công khuyến khích cơ sở CNNT đổi mới máy móc hiện đại

Chính sách khuyến công của Nhà nước là nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Mục tiêu của chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là sử dụng kinh phí Nhà nước cấp để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững.
Khánh Hòa: Chính sách khuyến công khuyến khích cơ sở CNNT đổi mới máy móc hiện đại
Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gạo của Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lệ

Đối với Chương trình khuyến công của tỉnh, nội dung hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất có ý nghĩa như một sự khuyến khích cơ sở CNNT chủ động nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi, mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị (MMTB), tối đa hóa lợi ích từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Máy móc, thiết bị đáp ứng được tiêu chí về tính mới theo quy định, có thể đảm bảo lược bỏ được các quy trình thủ tục phức tạp về thẩm định, giám định như đối với MMTB đã qua sử dụng; cắt giảm được khoản chi phí kha khá cho các cơ sở CNNT đối với các thủ tục nêu trên.

 

Bên cạnh đó, máy móc thiết bị mới cũng đảm bảo tối đa về công suất, hiệu quả sử dụng cho các cơ sở CNNT khi tính toán hiệu quả kinh tế, đồng thời thuận lợi cho các cơ quan quản lý chương trình trong quá trình thực hiện thẩm định, phê duyệt, hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị.

 

Chính sách khuyến công khuyến khích các cơ sở tham gia các cuộc thi, chương trình do Nhà nước tổ chức như tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, tham dự bình chọn sản phẩm OCOP. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ luôn xem trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo đạt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng hàng hóa... Đây là giải pháp để giúp các cơ sở sản xuất tăng khả năng cạnh tranh, tồn tại được trên thị trường, tìm được đầu ra cho sản phẩm.

 

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tính chất nhỏ lẻ, hoạt động theo mô hình hộ gia đình nên thiếu vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc hiện đại. Bằng nguồn kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ từ chính sách khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa (Trung tâm) đã hướng dẫn nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối tượng cơ sở sản xuất là hộ kinh doanh, đây là đối tượng yếu về nhiều mặt như: Kỹ thuật, công nghệ, thị trường và nhất là các kiến thức về kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh hầu như đóng tại các địa bàn huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, các địa phương này hạn chế về sự tiếp cận các phương diện phục vụ cuộc sống và sản xuất kinh doanh.

 

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công địa phương, Trung tâm đã tổ chức triển khai, thực hiện các đề án khuyến công ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm như: Hộ Kinh doanh Ngô Thị Hoa Sim (huyện Diên Khánh), đầu tư 601 triệu đồng mua MMTB tiên tiến sản xuất bánh phở, được hỗ trợ 130 triệu đồng; Hộ Kinh doanh Nguyễn Xuân Trường (huyện Diên Khánh), đầu tư 470 triệu đồng mua MMTB tiên tiến trong chế biến gạo, được hỗ trợ 130 triệu đồng; Hộ Kinh doanh Cơ sở sản xuất nước uống Thảo Nhi (huyện Cam Lâm), đầu tư 87,12 triệu đồng mua MMTB tiên tiến trong sản xuất uống đóng bình, được hỗ trợ 26,136 triệu đồng; Hộ Kinh doanh Nguyễn Trang Thùy Diễm (huyện Vạn Ninh) đầu tư 132 triệu đồng để đầu tư MMTB phục vụ sản xuất, chế biến chả cá, được hỗ trợ 39,6 triệu đồng; Hộ Kinh doanh Nhơn Phát (huyện Khánh Sơn), đầu tư  187 triệu đồng để đầu tư MMTB phục vụ sản xuất các sản phẩm từ nhôm kính, được hỗ trợ 56,1 triệu đồng...

 

Đại diện Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết: Các cơ sở sản xuất tại các địa phương đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới mới máy móc thiết bị giúp hạn chế các khâu làm thủ công, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thời gian sản xuất, sản phẩm làm ra đạt chất lượng đồng đều, đem lại hiệu quả sản xuất rõ rệt cho cơ sở. Đồng thời, tạo việc làm cho 03 đến 05 lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng/tháng.

 

Hằng năm, UBND tỉnh bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn, nhằm hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT có điều kiện mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị để sản xuất sản phẩm ngày càng chất lượng hơn; có thể cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường, để tồn tại và có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.

Minh Hiếu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang