Thứ Năm, 21/11/2024 20:07:29 GMT+7
Lượt xem: 2217

Tin đăng lúc 27-10-2021

Khi startup Bình Phước mang những câu chuyện làm giàu vào 73 kỳ phát sóng “Ngôi nhà khởi nghiệp”

Gần 60 startup tại tỉnh Bình Phước đã cùng giao lưu, giúp nhau làm giàu thông qua các buổi trò chuyện trong chương trình phát thanh trực tiếp (PTTT) “Ngôi nhà khởi nghiệp” - phát sóng lần đầu vào ngày 5/6/2020.
Khi startup Bình Phước mang những câu chuyện làm giàu vào 73 kỳ phát sóng “Ngôi nhà khởi nghiệp”
Mỗi kỳ phát sóng, chương trình PTTT “Ngôi nhà khởi nghiệp” thu về hàng chục nghìn lượt xem với những câu chuyện đời đầy thú vị của các startup

Gần 1,5 năm qua, chương trình “Ngôi nhà khởi nghiệp” đã trải qua 73 kỳ phát sóng với nhiều talkshow thú vị, đạt đến hàng triệu lượt view trên mạng xã hội. Mỗi kỳ thu về hàng chục nghìn lượt xem cùng nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề ấn tượng, qua đó tạo mối gắn kết vững chắc giữa nhiều startup Bình Phước.

 

Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang “gồng mình” trước bão COVID-19, chương trình PTTT “Ngôi nhà khởi nghiệp” đã góp sức giúp startup Bình Phước tạo các kênh bán hàng online để “trụ lại” trong mùa dịch.

 

Qua đó, nổi bật nhất là 2 kỳ phát sóng mà Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Duy tham dự: kỳ số 68 với chủ đề “Lan tỏa tinh thần thanh niên khởi nghiệp”, kỳ số 28 về “Cơ hội cho doanh nghiệp trẻ Bình Phước từ Diễn đàn “Vietnam - Australia Biz Matching” (Kết nối giao thương Việt - Úc)” - đây là Diễn đàn do Tỉnh Đoàn thực hiện để kết nối hàng chục startup Bình Phước với cộng đồng doanh nghiệp tại Úc.

 

 

Anh Đặng Dương Minh Hoàng - Chủ Nông trại bơ Thiên Nông (thứ 3, phải sang) cùng các thành viên trong đoàn công tác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Nông trại Thiên Nông

 

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, đây là chương trình do Đài PT-TH và Báo Bình Phước phối hợp với Tỉnh Đoàn, CLB Khởi nghiệp thuộc Hội LHTN Việt Nam - Thành Đoàn Đồng Xoài (Bình Phước) thực hiện nhằm làm nổi bật chủ đề công tác năm 2021 của Đoàn toàn tỉnh: “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, góp phần hỗ trợ cộng đồng startup phát triển bền vững.

 

Bà Huỳnh Thị Minh Huệ - Biên tập viên, Chủ nhiệm của chương trình cho biết rằng điểm độc đáo của “Ngôi nhà khởi nghiệp” là việc xây dựng ý tưởng sản xuất chương trình phát thanh kết hợp với thực hiện chương trình truyền hình thực tế có MC kết nối, dẫn hiện trường.

 

Theo bà Huệ, ekip thực hiện chương trình có mặt tại hiện trường để ghi hình phóng sự giới thiệu về câu chuyện đời, chuyện nghề vô cùng thú vị của các doanh nhân, những khó khăn, thất bại mà họ đã trải qua và những thành công của từng mô hình khởi nghiệp.

 

 

Biên tập viên Minh Huệ thực hiện phóng sự ở Công ty TNHH xuất khẩu Hạt điều Vinasu tại Thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

 

Chủ Nông trại bơ Thiên Nông (H.Bù Gia Mập) - anh Đặng Dương Minh Hoàng, cựu học sinh trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước (ngụ tại TX Phước Long) từng dự chương trình và “bật mí” cách áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển Nông trại trong 2 năm qua để thu khoảng 5 tỷ đồng/năm. Qua chương trình, anh Hoàng và nhiều startup đã “thổi bùng” những ước vọng khởi nghiệp trong lớp trẻ.

 

Anh Đặng Dương Minh Hoàng nhận định: “Mình thường xem chương trình này vì đây là sân chơi mang đến cho các startup cơ hội giao lưu, kết nối, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp, nắm thông tin về các chính sách hỗ trợ và được giúp đỡ trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó góp phần giúp startup vượt bão dịch và tạo hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững.

 

“Mình và một số startup tham gia “Ngôi nhà khởi nghiệp” cùng nuôi khát vọng phát triển nông nghiệp xanh, qua đó chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại, mình hay tham gia các chuyến thăm, động viên thanh niên khởi nghiệp trong tỉnh do Tỉnh Đoàn tổ chức để giao lưu, học hỏi và hỗ trợ các startup đang gặp khó.”, anh Hoàng nói thêm.

 

“Ngôi nhà khởi nghiệp” lên sóng cùng một lúc trên các hạ tầng số của Đài PT-TH và Báo Bình Phước (trực tiếp trên làn sóng FM tần số 89.4Mhz, trực tuyến tại www.bptv.vn, ứng dụng BPTV Go và livestream trên các fanpage: Truyền Hình Bình Phước, Báo Bình Phước, Phát Thanh Bình Phước, Ngôi Nhà Khởi Nghiệp và được chia sẻ lại trên các fanpage của doanh nghiệp).

 

 

Chị Trần Mạc Vân Anh - Đồng sáng lập MEDIFOOD.IO trong chuyến khảo sát hỗ trợ nhà vườn tại tỉnh Lâm Đồng

 

Được phát sóng từ 14h00 đến 15h00 vào ngày thứ Sáu hàng tuần, chương trình PTTT “Ngôi nhà khởi nghiệp” mang hình thức một talkshow kéo dài 60 phút với các khách mời thay đổi theo mỗi tuần. Lồng ghép trong các talkshow của chương trình là những thông tin thời sự về thị trường, kêu gọi hỗ trợ giá cho nông sản, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị tài trợ...

 

Tại chương trình, những người dẫn talkshow sẽ kết nối, trò chuyện với khách mời tại phòng thu và tương tác với các khán thính giả gọi điện thoại về cho chương trình qua 2 số tổng đài 02713.888.432 - 0273.887.116 hoặc nhắn tin trên các fanpage phát trực tiếp chương trình, từ đó thuật lại những câu chuyện khởi nghiệp đầy độc đáo của những nhân vật khách mời và các khán thính giả.

 

Trong bối cảnh đầy cam go của mùa dịch thứ tư, chương trình đã thay đổi hình thức thực hiện từ offline sang online bằng phần mềm livestream Vmix để kết nối khách mời từ xa.

 

 

Anh Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến Sào Nam Phú (thứ 3, phải sang) trao bảng tượng trưng 38 bóng đèn năng lượng mặt trời cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước

 

Những vị khách được mời tham dự chương trình không chỉ là các doanh nhân, thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Phước mà còn là các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực và những người làm công tác quản lý Nhà nước của tỉnh này.

 

Chương trình không chỉ kể câu chuyện đời, chuyện nghề của các startup tỉnh nhà mà còn kết nối, giao lưu với các khách mời là doanh nhân ngoài tỉnh để những hành trình khởi nghiệp đầy ấn tượng của startup trong và ngoài tỉnh được lan tỏa đến cả TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng… thông qua mạng xã hội.

 

 

Anh Lê Hải Văn - Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Trung, xã Thanh Lương, TX Bình Long (thứ 3, phải sang) vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020

 

Xuất hiện trong một talkshow của “Ngôi nhà khởi nghiệp”, đảng viên trẻ Lê Hải Văn - Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Trung, xã Thanh Lương, TX Bình Long đã chia sẻ bí quyết sở hữu trang trại gà thương phẩm trị giá hàng tỷ đồng sau 7 năm khởi nghiệp và làm mọi người nể phục khi biết anh từng vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của.

 

Trong khi đó, bạn trẻ Lê Văn Phong (SN 1993) - cư ngụ ở ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản đã kể về nghề nuôi vịt thông qua “Ngôi nhà khởi nghiệp”; qua đó, sau khi bôn ba nhiều nơi với nhiều nghề, anh vay mượn để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 1.100 con vịt giống. Đến nay, anh Phong cùng gia đình mỗi ngày thu hơn 1.000 trứng với lợi nhuận 700 - 800 nghìn đồng/ngày.

 

Chương trình “Ngôi nhà khởi nghiệp” đã lan tỏa tinh thần thép của startup Lê Duy Toản (huyện Phú Riềng) - chàng trai đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng nấm linh chi đỏ - sản xuất tinh bột nghệ tại thôn Tân Phú, xã Bù Nho (H.Phú Riềng). Đến nay, trang trại của anh đã tạo nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và mang đến việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 

 

Anh Lê Hải Văn - Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Trung, xã Thanh Lương, TX Bình Long thoăn thoắt chuẩn bị thức ăn cho đàn gà tại trang trại

 

Cư trú tại tổ 5 ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng (H.Hớn Quản), startup Lê Đăng Hùng (SN1988) đã theo đuổi ước vọng làm giàu bằng mô hình trồng bưởi da xanh, mít và sầu riêng sạch với nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm; trong đó, bưởi da xanh là cây trồng chủ lực. Tại “Ngôi nhà khởi nghiệp”, câu chuyện làm kinh tế trong 5 năm qua của anh Hùng đã thu hút hàng chục nghìn khán giả.

 

Từng được mời đến chương trình để bộc bạch trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và bí quyết làm giàu, startup Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến Sào Nam Phú (ngụ ở KP 5, thị trấn Chơn Thành, H.Chơn Thành) nhận xét chương trình đã truyền cảm hứng vượt khó cho nhiều startup. Hơn 5 năm qua, anh phát triển mô hình nuôi chim yến trong nhà với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thu khoảng 500 triệu đồng/năm.

 

Thông qua chương trình, chị Trần Mạc Vân Anh (cư dân KP 2, thị trấn Chơn Thành) - em gái của startup Trần Tuấn Anh đã trao thông điệp về xây dựng nền nông nghiệp xanh với dự án “Nông nghiệp sạch Medifood.IO” mà chị cùng nhóm của mình triển khai tại huyện Đồng Phú rồi từ đó hỗ trợ 20 nhà vườn ở 6 tỉnh, thành thuộc miền Nam xây dựng thương hiệu, kết nối với người tiêu dùng.

 

Thắng Trân - Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang