Thứ Bẩy, 23/11/2024 11:55:39 GMT+7
Lượt xem: 1776

Tin đăng lúc 14-08-2018

Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đồng ý đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Câu chuyện bảo tồn nghề làm tranh Ðông Hồ đã được đề cập nhiều, quá trình lập hồ sơ cũng tương đối đầy đủ, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để di sản sống một cách bền vững trong lòng cộng đồng, lại không hề dễ.
Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ

Làng tranh đi làm hàng mã

 

Thực tế, đề xuất về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ đã được lên kế hoạch cách đây vài năm với hy vọng, nếu trở thành di sản thế giới cùng với những quy định cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy di sản thì sẽ "cứu" được một nghề thủ công đang có nguy cơ mai một. Theo hạn định, tháng 12-2019 hồ sơ của làng nghề tranh Ðông Hồ sẽ được UNESCO xem xét trong phiên họp thường kỳ. Trong số 12 Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, mới chỉ có các loại hình về lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, cho nên nếu hồ sơ nghề làm tranh Ðông Hồ được phê duyệt, thì đây sẽ là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh.

 

Nơi ra đời của dòng tranh Ðông Hồ thuộc làng Ðông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh Ðông Hồ kết tụ những tinh hoa về nghệ thuật tạo hình, làm giấy, pha mầu... cho đến đề tài rộng lớn (hơn 180 đề tài) về đồng bằng Bắc Bộ xưa. Cách đây 5 năm, nghệ thuật làm tranh này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Trải qua nhiều thăng trầm của đời sống, xã hội, đến nay cơ bản người dân làng Ðông Hồ không còn sống bằng nghề làm tranh mà chuyển sang trồng trọt, kinh doanh, làm hàng mã. Trước đây, cả làng có 17 dòng họ làm tranh thì hiện tại, sau khi nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam qua đời, chỉ còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế và con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là bà Nguyễn Thị Oanh nối nghiệp. Năm 2012, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030" với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng nhưng đến nay hoạt động của làng nghề vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Thế nên, câu hỏi được đặt ra là, giả sử hồ sơ về tranh dân gian Ðông Hồ được UNESCO công nhận thì việc bảo vệ khẩn cấp hay phát huy giá trị sẽ diễn ra thế nào?

 

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế chia sẻ: "Qua nhiều năm làm nghề, tôi nhận thấy rằng, để giữ được nghề thì phải sống được bằng nghề đã. Những người dân trong làng tôi cơ bản đều biết về kỹ thuật làm tranh nhưng do nhu cầu thị trường hạn chế, đời sống khó khăn nên việc người dân chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác cũng không có gì khó hiểu. Nhiều người hỏi tôi, vì sao vẫn bám trụ với nghề? Ðầu tiên là bởi tôi có đam mê đặc biệt với dòng tranh truyền thống của quê hương, bản thân cũng theo học ngành mỹ thuật, công tác tại nhiều cơ quan văn hóa khác nhau. Tôi xin nghỉ hưu sớm để chuyên tâm làm tranh. Thứ hai là việc gia đình tôi có thể xoay xở, kinh doanh và sống được nhờ tranh. Thực tế ấy giúp tôi thuyết phục được con cháu trong nhà bỏ nghề nông, làm hàng mã. Nhưng đó là câu chuyện nhỏ lẻ của riêng gia đình tôi, còn nếu muốn bảo tồn, phát huy nghề làm tranh thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tổ chức văn hóa nghề nghiệp và nhất là lên kế hoạch đầu tư, truyền dạy cho lớp trẻ không chỉ kỹ thuật làm tranh mà còn là đam mê, hy vọng nhìn thấy được ở giá trị của di sản".

 

Trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng

 

Nhận định về câu chuyện bảo tồn nghề làm tranh Ðông Hồ, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh cần có những chính sách thỏa đáng cho nghệ nhân, cho người học làm tranh, bù giá cho sản phẩm, nỗ lực quảng bá giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh trách nhiệm chung của các cơ quan, ban, ngành liên quan thì bản thân nghệ nhân, người dân cũng cần có trách nhiệm riêng như trao truyền tri thức, kỹ thuật và truyền dạy về gốc rễ văn hóa, bản sắc địa phương cho thế hệ trẻ thì di sản mới có sức sống. Trường hợp của nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế là một thí dụ. Trước sự thay đổi về đời sống, cơ chế thị trường, ông đã lăn lộn, thử thách bản thân rất nhiều để tìm đường phát triển cho tranh Ðông Hồ. Ðể có được quyết tâm ấy, đam mê không chưa đủ mà ông cần phải có nền tảng văn hóa, kiến thức về mỹ thuật, thị trường. Người ta nói, nghề làm tranh khó sống nhưng gia đình ông vẫn mở rộng xưởng, xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm".

 

Bà Nguyễn Thị Oanh - nữ nghệ nhân duy nhất đang duy trì nghề làm tranh ở làng Ðông Hồ cho biết, hơn 10 năm nay, sau khi tiếp nhận xưởng tranh của gia đình, bà luôn cố gắng làm nghề và tích cực tham gia các cuộc triển lãm sản phẩm nghề thủ công truyền thống diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh Ðông Hồ. Bà cho rằng, theo quan sát của mình thì mức độ quan tâm của các chuyên gia, tổ chức trong nước và ngoài nước, kể cả các công ty du lịch cho dòng tranh Ðông Hồ vài năm trở lại đây đang sôi nổi trở lại. Nhiều công ty du lịch muốn kết nối với nghệ nhân để đưa khách về tham quan, chiêm ngưỡng nhưng họ hơi "chững" lại khi biết rằng cả làng Ðông Hồ chỉ còn hai hộ gia đình làm tranh. Chúng tôi trao đổi câu chuyện này với nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế, ông cho hay, gia đình ông đã đầu tư khoảng ba tỷ đồng cho xưởng tranh và nơi này trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan. Ðó cũng là một nguồn thu nhập giúp gia đình ông duy trì, phát triển nghề truyền thống. Một bức tranh do thành viên trong gia đình ông làm tại chỗ có giá vài chục nghìn đồng, nếu thêm khung gỗ khoảng 100.000 đồng/bức. Từ bản khắc mà nhiều gia đình trong làng giữ lại được, ông Chế mua về, nhân thêm nhiều bản mới. Ông coi đây là quá trình sưu tầm, phục chế đòi hỏi tâm huyết, công phu. Ngoài ra, ông cũng sáng tác thêm các mẫu mới. Ðến nay, gia đình sở hữu hơn 1.000 bản khắc, trong đó có 150 bản khắc cổ, 100 loại tranh phục hồi, 20 loại tranh mới. Con trai ông cũng mở phòng tranh tại Hà Nội, tiếp cận với thị trường nước ngoài. Dù tuổi cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế vẫn tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Ðông Hồ, đôi khi kết hợp với những nhóm nghệ sĩ trẻ sáng tác tranh có cảm hứng dân gian để đưa bản sắc truyền thống tiếp cận linh hoạt hơn với giới trẻ. Ông cho biết thêm, gần đây, có một nhóm bạn trẻ đam mê giá trị truyền thống đã thực hiện ý tưởng tập hợp, số hóa tranh dân gian để bảo tồn và đã làm thử nghiệm với tranh Hàng Trống. Theo đó, các họa tiết thu được sẽ được xử lý bằng phần mềm máy tính nhằm lưu trữ trên môi trường số hóa, tránh mọi nguy cơ hư hại, mai một bởi tác động thời gian. Ðồng thời, các hoa văn tranh dân gian sẽ có điều kiện ứng dụng vào lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ làm đậm đà thêm bản sắc truyền thống. Nếu ứng dụng này được thử nghiệm với tranh Ðông Hồ, có thể sẽ góp phần tích cực vào câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang