Khi mang ý tưởng khởi nghiệp tưởng như rất ngẫu hứng giới thiệu với người thân, bạn bè, chị Nguyễn Thu Hoài hầu như không nhận được ý kiến đồng tình nào, thậm chí nhiều người còn cho rằng chị đang đùa. “Tôi nghĩ rằng, một hộp bánh kẹo ngoại nhập không mang giá trị truyền thống, có giá hàng triệu đồng nhưng lại được ưa chuộng. Vậy một món ăn truyền thống với nguyên liệu sẵn có, được coi như hình tượng ẩm thực của người Việt Nam thì sao? Bánh chưng từ trước tới nay xuất hiện thường xuyên trên mâm cỗ cúng và được nhiều người sử dụng làm đồ ăn sáng, vậy tại sao không biến thứ thực phẩm ấy thành món quà Tết thơm ngon, lịch sự, vệ sinh?”, chị Hoài cho biết.
Với suy nghĩ ấy, chị theo đuổi một sản phẩm bánh chưng với khả năng chinh phục từ thực khách bình dân tới những người “sành miệng”. Đi khắp các khu chợ ở Thủ đô và cả các tỉnh lân cận, thử ăn hàng trăm chiếc bánh, nhưng Hoài vẫn không tìm ra hương vị cần thiết. Sau bao lần tưởng như bỏ cuộc, tình cờ, Thu Hoài chợt nhớ đến món bánh chưng Điện Biên dung dị nhưng hương vị thơm ngon lạ lùng mà chị từng được ăn trong một lần đi thăm người thân. Nữ cử nhân tiếng Pháp của Học viện Ngoại giao lập tức lên Điện Biên, tìm đến những nhà làm bánh chưng nếp nương truyền thống, thuyết phục từng người có tay nghề truyền dạy cách làm bánh ngon.
Rõ ràng, muốn làm bánh chưng để bán, mà lại phải là loại bánh chưng đặc biệt, thơm ngon, lạ miệng… là chuyện không dễ dàng. Những mẻ bánh đầu tiên ra lò không cho kết quả mong muốn. Chị bỏ đi làm lại cho dù “tiếc đứt ruột” với số nguyên liệu bỏ công mang từ Điện Biên về Hà Nội. Cứ thế, chị Hoài kiên trì nâng cao chất lượng từng mẻ bánh, nhưng cũng phải đến cái Tết thứ hai, những chiếc bánh chưng thương hiệu Nương Bắc của chị mới thật sự gây chú ý. Vỏ bánh là gạo nếp nương thơm dẻo ngon nức tiếng, nhân bánh làm bằng thịt lợn mán do người Thái thả tự do trong bản, rất thơm và chắc, với lớp mỡ béo ngậy tạo vị rất riêng. Bánh được nhuộm nước lá riềng với kỹ thuật độc đáo, phủ một mầu xanh ngát tự nhiên.
Với những tiêu chuẩn rất riêng ấy, bánh chưng Nương Bắc dần chiếm được cảm tình của thực khách. Đến năm 2016 - cái Tết thứ ba kể từ khi chị Hoài chuyển sang sản xuất bánh chưng, Nương Bắc đạt doanh số gần 7.000 chiếc bánh, tạo doanh thu gần 400 triệu đồng. Hiện nay, thương hiệu này đã sở hữu hệ thống mười đại lý trải dài khắp đất nước. Thế nhưng, dường như bà chủ tuổi 9x vẫn chưa hài lòng với những thành công ấy. “Tôi mơ ước đến một ngày nào đó, bánh chưng Nương Bắc sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài theo đường chính ngạch. Hiện nay, đã có nhiều khách hàng mua bánh rồi xách tay ra nước ngoài để tặng, biếu người thân, nhưng số lượng vẫn còn hạn chế”, chị Nguyễn Thu Hoài chia sẻ.
Để từng bước hiện thực hóa khát khao giản dị ấy, năm nay Nương Bắc mạnh dạn thử sức với một sản phẩm bánh chưng cao cấp, với giá gần 600 nghìn đồng/hai chiếc. Một lần nữa, cô gái trẻ lại gây bất ngờ cho người tiêu dùng. “589 nghìn đồng/hai chiếc bánh là số tiền sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng tôi tin rằng, đây sẽ là làn gió mới cho thị trường quà Tết truyền thống, góp phần thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về bánh chưng - một món ăn quốc hồn, quốc túy nhưng thường bị xếp ngoài giỏ quà Tết”, chị Hoài nói. |
Nguồn Nhandan.com.vn