Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Bình Phước được giao triển khai thực hiện 12 Đề án khuyến công quốc gia điểm; 14 Đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, Đề án khuyến công quốc gia triển khai đạt 100%, Đề án khuyến công địa phương đạt 90%.
Bà Nguyễn Thị Sáu - Giám đốc TTKC tỉnh Bình Phước cho biết: Năm 2023, TTKC chủ yếu tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT, sản xuất các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở CNNT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Kết quả bước đầu cho thấy, hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư mới, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong vận hành sản xuất, giúp DN, cơ sở CNNT nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, Công ty xuất nhập khẩu Thiên Kỳ (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) đã đầu tư máy dò tạp chất X-Ray trong chế biến hạt điều. Với hệ thống máy móc hiện đại và áp dụng công nghệ tự động, dễ sử dụng, đặc biệt, là khâu bóc vỏ lụa đã giảm được 40% số lượng công nhân so với trước, khắc phục được tình trạng thiếu lao động, giúp Công ty ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Võ Minh Tứ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Tứ Linh (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia điểm năm 2023, Công ty mạnh dạn đầu tư máy bóc vỏ lụa hạt điều model 2023, công suất 400-500kg/giờ. Tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng. Từ đó, đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Còn theo ông Lê Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: HTX gạo Sóc Nê - Bù Đốp (xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) được hỗ trợ 125 triệu từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã đầu tư máy xay xát gạo công nghệ mới, công suất thiết kế 1 tấn lúa/giờ để sản xuất, tiêu thụ một số thương hiệu gạo chất lượng cao như: ST24; OM4900; OM5451; Lộc Trời 28; Đài Thơm 8 và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, đã mở rộng được diện tích trồng lúa của người dân và mạnh dạn đầu tư máy sấy lúa công suất lớn, để bảo quản lúa sau thu hoạch.
Có thể thấy, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp sức, tạo nguồn lực rất lớn đối với DN, cơ sở CNNT trên địa bàn của tỉnh. Được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại các DN, cơ sở CNNT sẽ khai thác hiệu quả những thế mạnh, tài nguyên, nguồn lực; tiết kiệm năng lượng; giảm phát thải độc hại gây ô nhiếm môi trường, đảm bảo an sinh - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh và phát triển bền vững.
Công Vinh