Với 600 ha diện tích chè được trồng mới và phục hồi, mỗi năm Thái Nguyên tích cực đưa giống chè mới có năng suất, chất lượng cao thay thế dần cho giống chè trung du cũ đã cằn. Mặc dù vậy, so với các vùng trồng chè khác trên cả nước, năng suất chè của Thái Nguyên vẫn còn thấp chỉ đạt khoảng 7 tấn/ha. 70% sản lượng chè của tỉnh được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chủ yếu là chè rời, chất lượng không cao. Giá chè xuất khẩu của tỉnh cũng chỉ khoảng 1,4 USD/kg, thấp hơn giá bình quân thế giới.
Tuy nhiên, chất lượng, giá thành sản phẩm chè của Thái Nguyên không cao chủ yếu là do khâu chế biến không đảm bảo. Ngoài hơn 30 DN chế biến chè có quy mô, dây chuyền sản xuất đồng bộ, Thái Nguyên hiện có tới gần 60.000 cơ sở chế biến chè quy mô hộ gia đình. Với phương thức chế biến thủ công, truyền thống là chủ yếu, sản phẩm từ các cơ sở này làm ra chất lượng không đồng đều, khó đạt yêu cầu vệ sinh công nghiệp. Các DN, cơ sở sản xuất chưa đầu tư xứng đáng cho công tác khảo sát, tiếp thị, quảng bá sản phẩm…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh: Cụ thể, khuyến công Thái Nguyên đã dành nhiều tỷ đồng hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh chè. 28 đề án đã được triển khai, bao gồm: 8 đề án dạy nghề chế biến chè với tổng số 1.459 lao động được đào tạo; 5 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; 13 đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất; 2 đề án hỗ trợ các cơ sở chế biến chè tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Với sự hỗ trợ tích cực từ công tác khuyến công, hoạt động sản xuất, kinh doanh chè của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tỉnh đã xuất khẩu được khoảng 10 triệu USD mỗi năm, sản phẩm chè của tỉnh cũng đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Nga…
Để các DN sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh sẽ kết hợp với Hiệp hội chè Việt Nam và các viện, trường chuyên ngành xây dựng thí điểm mô hình chuẩn sản xuất và chế biến chè từ đó nhân rộng. Tổ chức tập huấn, đào tạo về tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và UTZ đối với các cơ sở, hợp tác xã, các cá nhân đang sản xuất chè. Hỗ trợ các công ty, cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu đề ra giai đoạn 2013 – 2015, khuyến công Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu thực hiện được 150 đề án. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành nghề như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống; cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn; dệt may, da giầy, hàng tiêu dùng; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản.
Bùi Thanh Bình