Với nguồn kinh phí khuyến công được giao là 2,6 tỷ đồng trong năm 2016, TTKC Bắc Ninh đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ DN, trong đó, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất, cung cấp thông tin và chương trình hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT)… TTKC Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh, cùng các Phòng Công Thương, Kinh tế huyện, UBND xã, phường, các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động với các nghề như may công nghiệp, cơ khí,… dưới hình thức đào tạo nghề tại chỗ, gắn với các cơ sở sản xuất. Sau các khóa học, 100% học viên được cấp chứng nhận và được bố trí làm việc tại các DN với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của Trung tâm cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc khảo sát, hoàn thành dự án đầu tư, thiết kế, lập dự toán công trình, thẩm tra, giám sát thi công các công trình điện. Trong đó, có một số công trình điển hình như: Đường cáp ngầm 35 kV và TBA 750 kVA – 35 (22)/0,4 kV cấp điện cho các Bệnh Đa khoa huyện: Gia Bình; Lương Tài; Yên Phong; Thuận Thành; Tiên Du; Quế Võ. Đồng thời, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2025, có tính đến 2035…
Có được kết quả đó là nhờ TTKC Bắc Ninh luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), UBND tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Ninh. Qua đó, các phòng, ban của Trung tâm đã được kiện toàn, ổn định về tổ chức, đảm bảo thuận lợi trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Bước sang năm 2017, TTKC Bắc Ninh tiếp tục đặt mục tiêu là tăng cường đẩy mạnh công tác khuyến công nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đã xây dựng 02 đề án mô hình trình diễn kỹ thuật; 03 đề án hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất cho các cơ sở sản xuất CNNT trình Bộ Công Thương; Mở 06 lớp đào tạo nghề cho 180 lao động; 03 lớp tập huấn khởi nghiệp cho 120 học viên; hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất CNNT đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất; xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Để đạt được mục tiêu đề ra, TTKC Bắc Ninh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, như: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương về công tác khuyến công; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ hoạt động khuyến công, hỗ trợ có chọn lọc cơ sở, DN trong các cụm công nghiệp, làng nghề để làm đầu tầu phát triển sản xuất CNNT; Ưu tiên, khuyến khích các cơ sở phát triển sản xuất về công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn cho các ngành điện, điện tử, cơ khí và nhựa; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về CNH, HĐH, các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp, công nghiệp nông thôn; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành phố, các cơ sở sản xuất trong việc đăng ký, xây dựng, triển khai đề án và quản lý khi đi vào hoạt động./.
Trần Văn Hiện
Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Bắc Ninh