Với nguồn kinh phí khuyến công được Bộ Công Thương và Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt hơn 4 tỷ đồng, Khuyến công Bắc Ninh đã có điều kiện thuận lợi triển khai nhiều đề án hỗ trợ DN. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất; Xây dựng mô hình, trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT, tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc tại Hà Nội, Huế; Tổ chức đào tạo, tập huấn về khởi sự quản trị doanh nghiệp cho các cơ sở CNNT; Tổ chức tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm về SXKD, hoạt động khuyến công; Ưu tiên giành kinh phí cho công tác đào tạo nghề, truyền nghề, dạy nghề và nâng cao tay nghề, tạo việc làm cho người lao động nông thôn.
Nhìn chung, hoạt động khuyến công thông qua các hình thức hỗ trợ đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, từ đó khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. Nhiều đơn vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó năng lực SXKD, sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên rõ rệt, mở rộng thị trường và trên hết là giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.
Là một trong những doanh nghiệp được Khuyến công Bắc Ninh hỗ trợ trong năm 2017, ông Tạ Minh Châu – Giám đốc Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn cho biết, được sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của Trung tâm Khuyến công Bắc Ninh, Công ty đã mạnh dạn chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với các bộ phận: Thiết kế, chế bản, in và ra thành phẩm. Việc đầu tư máy in thế hệ mới đã giúp chất lượng in sản phẩm đạt tiêu chuẩn đồng bộ, nhất quán về màu sắc, độ sắc nét, giảm tỉ lệ hao hụt. Đặc biệt, giúp hạn chế tiêu hao nhiên liệu, dung môi, hóa chất và thân thiện với môi trường. Hiện nay, với công suất 9.600 tấn sản phẩm bao bì carton cao cấp một năm, đã đem lại doanh thu cho Công ty trên 388 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả, năm 2018, Khuyến công Bắc Ninh sẽ tập trung hỗ trợ cho các chương trình như: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; Nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu; Phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin; Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham quan khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất; Đưa các sản phẩm của các cơ sở CNNT tiêu biểu trên địa bàn tham gia các hội chợ triển lãm các tỉnh; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Anh Minh