Nhờ vậy, nhiều đề án khuyến công đã được triển khai hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng CNNT của tỉnh.
Những năm qua, KT-XH còn nhiều khó khăn, ở một số địa phương hoạt động khuyến công chưa được quan tâm đầy đủ, hiệu quả các đề án chưa cao, thậm chí có địa phương hầu như không có đề án khuyến công trong năm. Nguồn kinh phí khuyến công dành cho mỗi đề án còn ít, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và kinh nghiệm, chưa có đội ngũ “chân rết”, cộng tác viên cấp huyện, xã, thôn; Các chủ cơ sở CNNT vẫn còn e ngại khi tiếp cận để được hướng dẫn lập thủ tục hỗ trợ kinh phí khuyến công...
Bên cạnh đó, sản phẩm của các cơ sở CNNT Bình Định mặc dù khá phong phú, đa dạng với những sản phẩm chủ yếu là chế biến nông lâm sản và thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (mặt hàng chạm khắc gỗ, song mây, chiếu cói, vải thổ cẩm, thảm xơ dừa), rèn đúc đồng mỹ nghệ, thế nhưng năng lực sản xuất phần lớn tổ chức theo loại hình kinh tế cá thể, quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, thị trường đầu ra chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, được sự quan tâm Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghiệp địa phương và các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, sau gần 6 năm (2012 – 2017) triển khai thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP, tình hình hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Các hoạt động khuyến công được triển khai toàn diện và hiệu quả ngày càng cao; hệ thống văn bản QPPL về khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện và góp phần làm minh bạch chính sách; nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công ngày càng tăng. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về vị trí, vai trò hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao. Vị thế vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về khuyến công ở địa phương từng bước được khẳng định, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với các cơ sở CNNT. Điều này được thể hiện qua việc số lượng cơ sở sản xuất ngày càng tăng, nhiều ngành nghề, làng nghề TTCN được khôi phục và phát triển, đóng góp giá trị SXCN, KNXK, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nhiên liệu sinh học viên nén gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH XD và TM Thiện Hoàng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG năm 2016.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2016, Bình Định đã thực hiện 86 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 11.442,5 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,8%/năm. Trong đó, khuyến công Quốc gia (KCQG) thực hiện 18 đề án, với kinh phí 5.682,2 triệu đồng, chiếm 49,7% so tổng kinh phí, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1%/năm; khuyến công Địa phương (KCĐP) thực hiện 68 đề án, kinh phí 5.760,3 triệu đồng, chiếm 50,3% so tổng kinh phí, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,9%/năm. Năm 2017, có 24 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 3.620 triệu đồng; trong đó: kinh phí KCQG 04 đề án với kinh phí hỗ trợ 1.100 triệu đồng, KCĐP 20 đề án với kinh phí hỗ trợ 2.520 triệu đồng. Các đề án tập trung vào nội dung hỗ trợ: Đào tạo, khôi phục ngành nghề truyền thống; nâng cao năng lực quản lý; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu... Đặc biệt, hoạt động khuyến công đã giúp cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, từng bước nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước hội nhập quốc tế và hướng đến phát triển bền vững… nhất là các hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm mới.
Thời gian tới, nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời phát triển hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, Bình Định đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động khuyến công, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Sớm hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công, ít nhất đến cấp huyện; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng; Sau khi phê duyệt triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục đích, nội dung, kết quả, tiến độ thực hiện và hiệu quả sau hỗ trợ; Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để từ đó có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển sản xuất… Trung tâm Khuyến công Bình Định tiếp tục triển khai sớm các chương trình đề án đã được phê duyệt hàng năm. Đa dạng hóa nội dung hỗ trợ, trong đó tập trung cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT... Các nội dung này được ưu tiên triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới, huyện miền núi… Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo sự đổi mới trong tư duy của các cơ sở CNNT, qua đó, định hướng, giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường.
Có thể thấy, hoạt động khuyến công đã góp phần hỗ trợ các các DN, cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực vào sự phát triển CN-TTCN và làng nghề của địa phương. Với sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh Bình Định, sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ với Cục CNĐP, các sở, ngành có liên quan và địa phương, tin tưởng rằng hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò làm “cầu nối”, vừa tiếp sức, vừa thúc đẩy CNNT phát triển mạnh mẽ./.
Mạnh Trường