Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:51:24 GMT+7
Lượt xem: 1119

Tin đăng lúc 25-01-2022

Khuyến công Đồng Tháp hỗ trợ công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh

Chương trình khuyến công tại tỉnh Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có điều kiện đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Khuyến công Đồng Tháp hỗ trợ công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh
Công ty TNHH MTV Thủy sản Mỹ Sa (TP. Sa Đéc - Đồng Tháp) đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới "hệ thống sấy xông khói thực phẩm - công nghệ của Đức", nâng cao năng lực sản xuất các loại thực phẩm chế biến và chất lượng sản phẩm từ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyên công Bộ Công Thương và địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tào Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp (KC&TVPTCN) - cho biết, thực hiện Chỉ thị số 04 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm đã chủ động, rà soát, xây dựng các đề án nhóm thuộc chương trình khuyến công địa phương theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.


Theo đó, bằng nhiều hình thức, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, năm 2021 Trung tâm KC&TVPTCN đã thực hiện 13 đề án, hỗ trợ cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện mô hình trình diễn, đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,2 tỷ đồng. Đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công, được nhiều địa phương, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Đồng Tháp quan tâm. Một số ngành nghề được tập trung hỗ trợ là công nghiệp chế biến rau quả, nông sản, sản xuất các sản phẩm sau gạo…

 

Theo ghi nhận, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sau khi triển khai thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Thủy sản Mỹ Sa (TP. Sa Đéc - Đồng Tháp) được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công triển khai thực hiện Đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm, đã góp phần giúp đơn vị nâng cao năng lực sản xuất các loại thực phẩm chế biến có chất lượng cao. Đặc biệt, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Tương tự, từ nguồn kinh phí khuyến công, sau khi đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp Cơ sở Sản xuất kinh doanh bột thực phẩm Lê Hà (huyện Châu Thành - Đồng Tháp) nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm ổn định và đồng nhất, bảo quản tốt hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm, bao bì bắt mắt, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.

 

Là doanh nghiệp thụ hưởng từ nguồn kính phí khuyến công quốc gia, ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy (Đồng Tháp) đánh giá cao các chương trình khuyến công của ngành Công Thương Đồng Tháp đối với các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua.


“Nguồn vốn hỗ trợ từ đề án đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư mua sắm những thiết bị máy móc tiên tiến, từ đó nâng cao giá trị nông sản, giảm giá thành làm ra sản phẩm, năng suất nâng lên khoảng 30 - 40%. Đồng thời, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Singapore…” - Giám đốc Công ty Nam Huy khẳng định.

 

Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã phát huy hiệu quả giúp DN, cơ sở công nghiệp nông thôn Đồng Tháp đầu tư may móc, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất., nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm lực của ngành công nghiệp khu vực nông thôn, đưa ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN cho biết, trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục triển khai chính sách khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

 

Theo đó, Trung tâp khuyến công tập trung triển khai khoảng 20 đề án hỗ trợ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ năng lực nghiên cứu, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện ưu tiên cho các cơ sở bước đầu áp dụng công nghệ cao.

 

Cùng với đó, Trung tâm KC&TVPTCN đăng ký thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Công Thương.

 

Có thế thấy, các hoạt động khuyến công không chỉ hỗ trợ từ kinh phí của nhà nước, mà là cơ chế khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn. Mặt khác, với đòn bẩy từ hoạt động khuyến công sẽ giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạch tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang