Thứ Bẩy, 23/11/2024 11:45:12 GMT+7
Lượt xem: 1881

Tin đăng lúc 01-04-2018

Khuyến công Hà Nội: Mục tiêu giá trị sản xuất CNNT 2018 tăng 10%

Năm 2017, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (TTKC) là nhân tố góp phần tích cực trong việc truyền nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn.
Khuyến công Hà Nội: Mục tiêu giá trị sản xuất CNNT 2018 tăng 10%
Một gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ quốc tế quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2017

Cụ thể, số lao động CNNT năm 2017 tăng 4,09% (tương đương 417.163 người). Trong đó, lao động được tạo việc làm mới qua hoạt động khuyến công đạt khoảng 10.000 người, với thu nhập bình quân đạt 47,1 triệu đồng/năm (tăng 13,07%); hỗ trợ 500 doanh nghiệp, cơ sở CNNT tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.

 

Trong năm, TTKC cũng đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, đào tạo nghề cho 1.400 lao động khu vực nông thôn tập trung vào ngành nghề thủ công mỹ nghệ như: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ... Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã có tay nghề cơ bản, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các lớp học nghề mây tre đan thực hiện tại huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất… đạt trên 85% học viên có việc làm; dát vàng quỳ, sơn mài, khảm trai tại huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên… đạt 60% - 80% học viên có việc làm với thu nhập ổn định. Cùng với đó, TTKC cũng dành nguồn lực hỗ trợ 12 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Các dự án sau đầu tư đã phát huy tốt hiệu quả, giúp doanh nghiệp, cơ sở CNNT nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Công tác khuyến công 2017 cũng góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp Hà Nội 7,3% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất CNNT tăng 11%; giá trị sản xuất làng nghề ước tăng 33,33%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thủ công mỹ nghệ tăng 5,5% so với năm 2016.

 

Các hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ được đặc biệt coi trọng. Nhờ biết tận dụng lợi thế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Thủ công mỹ nghệ trên địa bàn đã được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Xác định hoạt động xuất khẩu là hướng đi chủ đạo của ngành Thủ công mỹ nghệ Thành phố, nên TTKC đã hỗ trợ các DN tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại như: Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017, Hội chợ quốc tế tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… Tham gia hội chợ, các doanh nghiệp không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ mà nhiều doanh nghiệp còn ký kết được các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và hợp đồng xuất khẩu trực tiếp.

 

Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp -dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn..., năm 2018, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các chương trình khuyến công với mục tiêu giá trị sản xuất CNNT tăng 10% so với năm 2017 (tương đương 98.000 tỷ đồng). Trong đó, giá trị sản xuất làng nghề tăng 10%-12% (đạt 22.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,9% (đạt 200 triệu USD). Từ chương trình khuyến công, Hà Nội sẽ có 450 - 500 lượt cơ sở sản xuất CNNT, làng nghề được hỗ trợ; tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân khoảng 51 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo ra khoảng 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ…

 

Hồng Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang