Trong năm 2021, chương trình khuyến công của tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc 38/38 đề án, với tổng kinh phí 9 tỷ 980 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, đối với các đề án hỗ trợ không thu hồi là 25/25 đề án, kinh phí 1 tỷ 880 triệu đồng; các đề án hỗ trợ có thu hồi kinh phí là 12/12 đề án, với tổng vốn hỗ trợ là 7 tỷ 800 triệu đồng và 01/01 đề án khuyến công quốc gia có kinh phí 300 triệu đồng, tất cả đều đạt 100% kế hoạch đề án và xấp xỉ kế hoạch kinh phí. Đặc biệt, kết quả thu hồi vốn hỗ trợ trong năm 2021 cũng ấn tượng khi đạt 100% kế hoạch với 6,2 tỷ đồng.
Chương trình khuyến công đã tập trung vào các lĩnh vực định hướng cũng như có thế mạnh của tỉnh như: Hỗ trợ phát triển sản phẩm mới; sản phẩm chế biến sâu; các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; đổi mới các thiết bị công nghệ; hỗ trợ đăng ký thương hiệu; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất... Những yếu tố trên đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm. Đồng thời, thực hiện tích cực chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã khiến công tác vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Công ty gặp rất nhiều khó khăn do tàu biển thiếu hụt trầm trọng về số lượng container. Điều này đã bắt buộc chúng tôi phải đầu tư thêm kho lạnh để bảo quản chờ xuất. Với 30% kinh phí được hỗ trợ trong tổng mức đầu tư của Công ty từ chương trình khuyến công của tỉnh đã giúp chúng tôi giải quyết được rất nhiều khó khăn”.
Có thể nói, chương trình khuyến công thực sự đã trở thành một người bạn đồng hành đúng nghĩa giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp có những bước đi bền vững, ổn định cho tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo lộ trình chung.
Thành công của chương trình khuyến công Lâm Đồng có được một phần nhờ bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, kế hoạch chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Đặc biệt, Quy chế khuyến công để xây dựng nội dung trọng tâm hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn phù hợp với tình hình địa phương trong thời kỳ mới, trong bối cảnh hiện tại. Sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và địa phương đã giúp cho chương trình khuyến công có sự lựa chọn kỹ càng trong việc thẩm định đơn vị hỗ trợ, chính vì điều này đã giúp cho công tác thu hồi kinh phí hỗ trợ của những năm trước được ổn định và không có đơn vị nợ quá hạn.
Minh Hiếu