Thực hiện 44 đề án với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng
Theo Sở Công thương Lào Cai, sau 3 năm (2021 - 2023) triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thực hiện được 44 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 6.047,5 triệu đồng. Theo đó, vốn khuyến công hỗ trợ cho 08 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề với kinh phí 842 triệu đồng; 03 đề án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT với tổng kinh phí 271 triệu đồng; 17 đề án ứng dụng máy móc tiên tiến, với nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương hơn 2 tỷ đồng.
Cùng với đó, hỗ trợ 17 cơ sở CNNT mua sắm, đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đã thực hiện 8 đề án, với tổng kinh phí thực hiện là 502 triệu đồng. Triển khai thực hiện 4 đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí 85 triệu đồng...
Các đề án khuyến công đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các cơ sở CNNT tỉnh, tạo việc làm và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, cũng như một số địa phương khu vực miền núi khác, Lào Cai còn một số nội dung chưa thực hiện được, đồng thời gặp vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung của hoạt động khuyến công.
Cụ thể, theo Sở Công Thương Lào Cai, hiện chưa có quy định cụ thể chung, thống nhất trên cả nước về việc trích lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách khuyến công. Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, còn gặp nhiều khó khăn việc bố trí phân bổ kinh phí thực hiện chính sách khuyến công. Số lượng cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh đáp ứng được với yêu cầu của thụ hưởng kinh phí khuyến công quốc gia là rất ít, do quy mô sản xuất chưa đủ lớn, mức đầu tư chưa cao.
Thêm nữa, một số nội dung hỗ trợ về đầu tư còn gặp khó khăn, do các cơ sở thường chủ động vay vốn đầu tư trước để bảo đảm cho sản xuất, chứ không chờ được đến thời điểm được giải ngân hỗ trợ (đề án khuyến công năm trước đăng ký, năm sau thực hiện) nên vướng phải quy định hóa đơn chứng từ trong năm tài chính. Việc thu hút các nhà đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn...
Một số giải pháp khắc phục
Những khó khăn, tồn tại nêu trên không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả công tác khuyến công, còn ảnh hưởng tới mục tiêu, tiến độ triển khai chương trình khuyến công giai đoạn 5 năm. Để khắc phục, Sở Công Thương Lào Cai sẽ triển khai một số giải pháp trong thời gian tới như sau:
Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trong khu vực tập trung hỗ trợ phát triển đề án khuyến công nhóm, đề án điểm, đề án liên kết chuỗi giá trị, liên kết phát triển cụm công nghiệp.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước, là cầu nối để các doanh nghiệp đến với nhau, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm.
Để hỗ trợ địa phương thực hiện tốt các giải pháp trên, lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai đề nghị, Bộ Công Thương tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công để phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay như tăng mức hỗ trợ làm đòn bẩy phát triển sản xuất, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tế hiện nay.
Ngọc Diệp