Thực tế đã cho thấy, hiệu ứng của đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở việc tạo việc làm cho người lao động mà còn tạo nguồn cung ứng lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT, giúp các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương, Cục CNĐP đã quyết định hỗ trợ đề án dạy nghề May công nghiệp tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định số tiền 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí KCQG năm 2015 để mở 4 lớp dạy nghề May công nghiệp tại Công ty TNHH MTV Vĩnh Thực, cho 100 học viên tại địa phương, với chương trình giảng dạy và giáo viên của trường Trung cấp nghề số 8.
Tại buổi khai giảng, đại diện giáo viên trường Trung cấp nghề số 8, ông Mai Quốc Việt đã cam kết sẽ cố gắng truyền đạt cho các học viên không chỉ những kiến thức lý thuyết cơ bản về may công nghiệp mà các em còn được thực hành trên các dây chuyên may công nghiệp hiện đại. Sau khi kết thúc khóa học, các em có thể làm việc tại các doanh nghiệp với mức thu nhập tốt hơn.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương Nam Định cho biết: Tỉnh Nam Định là một trong những trung tâm lớn nhất nước về dệt may, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm dệt may năm 2014 của Nam Định đã đạt mức 500 triệu USD, tỉnh Nam Định đang xây dựng Khu Công nghiệp Rạng Đông qui mô 1.500 ha. Việc Bộ Công Thương, Cục CNĐP hỗ trợ tỉnh Nam Định mở các lớp dạy nghề may công nghiệp cho người dân Nam Định từ nguồn KCQG không chỉ đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân lao động của tỉnh mà còn giúp tỉnh thực hiện tốt hơn việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ và thực hiện những chủ trương chính sách khác của Đảng và Nhà nước như “ly nông bất ly hương” và “xóa đói giảm nghèo bền vững”.
PV