Thứ Sáu, 22/11/2024 09:14:27 GMT+7
Lượt xem: 4698

Tin đăng lúc 21-06-2018

Khuyến công Nghệ An: Phát triển làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 500 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 153 làng nghề được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận với tổng giá trị sản xuất của khu vực này trong năm 2017 đạt 160 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 30,6 triệu đồng/người/năm. Sản phẩm của các làng nghề có đầu ra ổn định và đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
 Khuyến công Nghệ An: Phát triển làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm
Trung tâm Khuyến công Nghệ An tích cực hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, thời gian qua, việc quy hoạch của các làng nghề trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chưa đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Điều đó đã nảy sinh nhiều vấn đề rất đáng quan tâm, nhất là việc phát huy giá trị các làng nghề. Trước tình hình đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An (Khuyến công Nghệ An) đã tích cực trong mọi hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề.

 

Theo đó, hơn 10 năm qua, chương trình khuyến công đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các nội dung phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năm 2017, Khuyến công Nghệ An đã sử dụng trên 5,327 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để thực hiện nhiều đề án hỗ trợ làng nghề với các nội dung: Tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến; Mua sắm thiết bị, dụng cụ sản xuất cho làng nghề, làng có nghề; Chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề cấp tỉnh, huyện…

 

Sự đồng hành của chương trình khuyến công đã giúp các làng nghề, thương hiệu làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày một phát triển và có chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như, huyện Diễn Châu đã có gần 100 hộ sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Sau khi được Khuyến công Nghệ An hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, các hộ sản xuất đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, từ đó sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng hơn. Doanh thu năm 2017 của các hộ đã đạt cao hơn từ 15 - 20% so với những năm trước.

 

Song song với hoạt động hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An cũng đã phối hợp với đơn vị chức năng tại các địa phương trong tỉnh tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm nguồn lao động chất lượng tốt, có kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh, an toàn thực phẩm…

 

Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, đến nay, Nghệ An đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ và đã tạo ra được những nhân tố mang tính động lực, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển. Điều này cho thấy và khẳng định, sự tích cực của hoạt động khuyến công là một chủ trương, một hướng đi ngày càng hiệu quả, nhất là trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang