Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt là 150 tỷ đồng, triển khai hơn 200 đề án rộng khắp trên địa bàn các tỉnh, thành phố của cả nước. Kết quả ghi nhận là rất đáng khích lệ, thể hiện ở nhiều nội dung, hoạt động quan trọng như: Hỗ trợ xây dựng được 21 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 307 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực tại Quảng Bình với 200 gian hàng tiêu chuẩn; Đào tạo quản trị kinh doanh cho 1.925 học viên là chủ, hoặc cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT…
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương khẳng định: “Các đề án KCQG triển khai thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương. Thông qua đó đã giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.
Năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều DN CNNT gặp khó khăn, thậm chí không thể sản xuất. Sự hỗ trợ kịp thời của chương trình KCQG đã giúp bức tranh CNNT có thêm nhiều mảng sáng. Từ nguồn vốn mồi, nhiều DN CNNT đã khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất từng bước phát triển bền vững và góp phần tích cực cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm qua, Chính phủ cũng tỏ rõ sự quan tâm với hoạt động khuyến công với Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 nhằm thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, chương trình KCQG cần phải có những đổi mới, thích ứng và chuyển biến tích cực để tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hoạt động khuyến công giai đoạn tới sẽ tập trung vào các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT.
Làng nghề gốm Bát Tràng
Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT. Tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, việc thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT cũng được quan tâm chú trọng. Mục tiêu là hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT thông qua việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, cấp khu vực; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham các hội chợ triển lãm trong và nước để quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm… Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, hoạt động khuyến công sẽ nhấn mạnh vai trò của việc huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm trong các làng nghề. Ông Ngô Quang Trung cho biết: “Chương trình khuyến công ở cả quốc gia và địa phương đã tích cực và tập trung hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trong các làng nghề nhằm khôi phục, phát triển các nghề truyền thống, chuyên nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm để không những duy trì, khôi phục làng nghề mà còn phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề có sức cạnh tranh, bền vững trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu”.
Từ những kết quả đạt được, Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT.
Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu: Xây dựng 340 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; ứng dụng 1.600 máy móc, thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở CNNT... |
Lê Phương