Thứ Hai, 25/11/2024 21:05:29 GMT+7
Lượt xem: 2088

Tin đăng lúc 31-05-2019

Khuyến công Thái Bình: Tập trung hướng dẫn vận hành máy cơ khí nông nghiệp

Theo kế hoạch, năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình (Trung tâm Khuyến công) sẽ tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy cơ khí nông nghiệp cho người lao động. Đây là chương trình nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân.
Khuyến công Thái Bình: Tập trung hướng dẫn vận hành máy cơ khí nông nghiệp
Giảng viên đang hướng dẫn cách bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy cơ khí nông nghiệp

Hiện nay, các thiết bị máy móc hiện đại thường xuyên được đưa vào sử dụng và nhu cầu làm chủ máy móc trong sản xuất nông nghiệp của người dân ngày một tăng cao. Điều đó đòi hỏi người nông dân cần phải trang bị những kiến thức cơ bản trong việc ứng dụng, sửa chữa, vận hành tốt các thiết bị, máy móc tiên tiến và để giúp cho người lao động nắm bắt được chuyên môn, kỹ năng vận hành thiết bị công nghệ, từ ngày 28/2 đến ngày 06/3 năm 2019, tại xã Tây Phong 2, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy cơ khí nông nghiệp cho người lao động địa phương.

 

Tới dự và khai giảng Khóa học có ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đoàn thể của tỉnh và huyện Tiền Hải, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiền Hải, các giảng viên cùng với 35 học viên.

 

Khai mạc Khóa học, bà Nguyễn Thị Diễm - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Trong 06 ngày này, Khóa học sẽ giúp cho bà con nông dân học hỏi, hiểu biết sâu hơn về các loại máy móc, thiết bị tiên tiến và được các giảng viên truyền đạt những kiến thức cơ bản về quy trình sử dụng, sửa chữa hỏng hóc trong quá trình vận hành. Đây chính là những kiến thức hữu ích, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng hiệu quả, năng suất lao động trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn hiện nay...”.

 

Với ý nghĩa thiết thực đó, tại Khóa học, các học viên đã được Giảng viên là kỹ sư công nghệ ô tô - máy kéo Nguyễn Trung Sơn thuyết giảng nhiều vấn đề như: Cách chuẩn đoán kỹ thuật động cơ đốt trong; Các chỉ tiêu đánh giá trạng thái chất lượng động cơ khi hoạt động bình thường và chỉ ra những trạng thái máy móc hoạt động ổn định. Trước khi vận hành máy móc, thiết bị, người lao động cần nắm rõ trạng thái hoạt động ổn định với những dấu hiệu như: Thứ nhất, động cơ dễ khởi động, chạy ổn định các chế độ vòng quay. Thứ hai, công suất động cơ đảm bảo, thể hiện qua khả năng mang tải, có tính năng tăng tốc tốt. Thứ ba, động cơ không nóng quá, không có tiếng gõ kim loại bất thường. Thứ tư, tiêu hao nhiên liệu trong phạm vi cho phép. Thứ năm, khí xả không có màu hoặc có màu nâu nhạt khi sử dụng công suất tối đa. Thứ sáu, không có hiện tượng rò rỉ nhiên liệu, dầu, nước ở các mối ghép, ống nối…

 

Bên cạnh đó, tại khóa học, Giảng viên Nguyễn Thanh Quảng –  một công nhân kỹ thuật bậc cao cũng đã trực tiếp hướng dẫn cho các học viên thực hành trên máy và phổ biến các phương pháp chẩn đoán động cơ hoạt động ổn hay bất ổn ở nhiều trạng thái khác nhau như: trạng thái khởi động, trạng thái nóng máy… Ông nhấn mạnh: “Để máy móc hoạt động tốt, cần kiểm tra máy trước khi vận hành. Từ đó, tìm nguyên nhân và sửa chữa kịp thời khi thấy hiện tượng hỏng hóc. Động cơ chỉ được phép vận hành khi tất cả các đặc tính kỹ thuật nằm trong giới hạn cho phép…”.

 

 

Nói về ý nghĩa của việc cơ giới hóa, hiện đại hóa máy móc thiết bị sản xuất tại địa phương, ông Lê Văn Điềm – Chủ tịch UBND xã Tây Phong cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, thông qua các chương trình hỗ trợ cho phát triển kinh tế nông thôn, xã Tây Phong đã được đầu tư cho phát triển công nghiệp nông thôn. Trong đó, việc triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cũng đã được chú trọng từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch. Chủ trương của xã là khuyến khích các hộ gia đình đầu tư máy móc vào sản xuất và xã sẽ hỗ trợ các chế độ, chính sách của Nhà nước để bà con yên tâm đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và được người dân quan tâm ủng hộ”.

 

Ông Lê Văn Thoán – một học viên đến từ thôn Diêm Trì, xã Tây Phong bộc bạch: “Khóa học do Trung tâm Khuyến công tổ chức rất thiết thực, hữu ích. Qua đây, chúng tôi đã cập nhật được rất nhiều kiến thức cần thiết như: Cách bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy móc khoa học và chuyên nghiệp hơn; biết cách tăng tuổi thọ của động cơ - máy móc được lâu bền... Điều này sẽ đem lại nhiều hiệu quả cho chúng tôi khi lao động, sản xuất”. 

 

Có thể nói, với những chương trình, hoạt động thiết thực như khóa học nói trên, Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình đã cho thấy vai trò tích cực của mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn hiện nay, nhất là góp phần làm giảm bớt phần nào những khó khăn, vất vả của người nông dân địa phương.

 

Quang Vinh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang