Thứ Sáu, 22/11/2024 00:20:20 GMT+7
Lượt xem: 1635

Tin đăng lúc 26-08-2021

Khuyến công Thái Nguyên tạo đà cho ngành chế biến nông sản huyện Phú Lương vươn xa

Những năm gần đây, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã tích cực đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đưa sản phẩm gạo Nếp vải Phú Lương – một loại đặc sản của địa phương vươn xa trên thị trường.
Khuyến công Thái Nguyên tạo đà cho ngành chế biến nông sản huyện  Phú Lương vươn xa
Đặc sản gạo Nếp vải Phú Lương đang được mở rộng diện tích trồng trọt

Để tiếp tục tạo đà cho ngành chế biến nông sản địa phương phát triển theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Thái Nguyên đã và đang tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất nông sản ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Gạo Nếp vải là một loại đặc sản của huyện Phú Lương và nếu ai đã từng thưởng thức một lần chắc hẳn sẽ không thể nào quên được hương thơm, vị ngậy, đậm chất gạo dẻo. Loại gạo này hiện được gieo cấy tập trung tại 05 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch của huyện Phú Lương với diện tích hơn 100ha và cho năng suất trung bình khoảng 48 tạ/ha.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Phú Lương có hàng chục doanh nghiệp và HTX đang sản xuất, cũng như đứng ra làm cầu nối thu mua gạo Nếp vải của người dân. Sản phẩm làm ra đến đâu được HTX thu mua theo giá thị trường đến đó. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn cần phải nhắc tới đó là phần đông các doanh nghiệp, HTX đều có quy mô nhỏ, eo hẹp về nguồn vốn nên vẫn chậm đổi mới, cũng như sử dụng công nghệ lạc hậu trong quá trình chế biến gạo Nếp vải. Do vậy, sản phẩm làm ra chưa thể đạt được chất lượng tốt nhất. Điều này đã dẫn đến chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận thu về cho người nông dân và HTX không cao. Trước thực tế đó, thời gian qua, TTKC Thái Nguyên đã tập trung phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương để triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến và sản xuất mặt hàng nông sản gạo Nếp vải.

 

Đến nay, nhiều doanh nghiệp và HTX trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng có hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị mới được đầu tư. Đặc biệt, trước khi triển khai thực hiện đề án, các đơn vị đều được TTKC Thái Nguyên tư vấn kỹ lưỡng, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về trang thiết bị, máy móc để chủ động sử dụng nguồn vốn hợp lý, mua sắm máy móc, công nghệ mới phục vụ công tác chế biến nông sản. Có thể khẳng định, đây là hoạt động rất thiết thực, qua đó, các doanh nghiệp và HTX trên địa bàn huyện Phú Lương đang từng bước thay đổi cách thức sản xuất và chế biến gạo Nếp vải theo hướng hiện đại để đem lại hiệu quả cao hơn về kinh tế.

 

 

Sản phẩm gạo Nếp vải do HTX Ôn Lương làm ra đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao

 

Điển hình như tại HTX Nông sản Nếp vải Ôn Lương (xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), sau một năm thành lập và đúc kết qua kinh nghiệm sản xuất thực tế, HTX nhận thấy sự cần thiết việc phải đầu tư, tiếp tục mua sắm mới hệ thống máy móc hiện đại trong chế biến nông sản để nâng cao năng lực sản suất, cũng như chất lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm trang thiết bị đối với một HTX mới thành lập là việc làm hết sức khó khăn, nhưng nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ gần 67 triệu đồng của TTKC Thái Nguyên thì đến nay, HTX đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư hơn 75 triệu đồng để mua mới hệ thống máy móc như: Máy rang, máy hút, máy giã, máy trà, máy đập, máy sàng lọc cốm… Do đều là những thiết bị tiên tiến và được sử dụng công nghệ điều khiển điện tử, cơ khí tự động, dây chuyền khép kín liên hoàn với năng suất cao nên chất lượng sản phẩm đầu ra ổn định hơn rất nhiều so với sản xuất thủ công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Năng suất lao động tăng hàng chục lần so với sản xuất truyền thống; Máy không gây ra tiếng ồn trong quá trình sản xuất, do vậy cải thiện được điều kiện làm việc cho công nhân, cũng như tiết kiệm điện năng, giảm sức lao động.

 

Bà Hoàng Thị Hồng Tú – Giám đốc HTX Nông sản Nếp vải Ôn Lương cho biết: Từ khi HTX chúng tôi được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư mới hệ thống các máy móc phục vụ cho quá trình chế biến nông sản thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Sản phẩm gạo Nếp vải làm ra đạt chất lượng tốt nên đơn hàng tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh tăng lên. Hiện HTX có 09 thành viên và đã đảm bảo thu nhập ổn định. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, TTKC Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho HTX Ôn Lương, cũng như nhiều HTX khác trên địa bàn.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc TTKC Thái Nguyên nhận định: Từ sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, HTX Nông sản Nếp vải Ôn Lương đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất gạo Nếp vải khép kín liên hoàn với năng suất cao. Theo tính toán của Trung tâm, việc HTX Ôn Lương ứng dụng máy móc hiện đại vào chế biến nông sản đã giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra. Từ đó, uy tín, thương hiệu của Đơn vị trên thị trường đang dần được nâng lên, cũng như tạo điều kiện hạ giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc mới, HTX đã nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước.

 

Có thể khẳng định, thông qua các chương trình hoạt động có tính hiệu quả cao, TTKC Thái Nguyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định phát triển. Đồng thời, tiếp tục tạo đà bứt phá cho nền công nghiệp nông thôn tỉnh nhà theo hướng CNH-HĐH.

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang