Theo đó, nhờ vào nguồn kinh khí khuyến công của địa phương, Công ty Dreamf Vina chuyên may quần áo xuất khẩu, đóng trên địa bàn xã Đồng Lợi (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã có điều kiện đầu tư vào hệ thống lò hơi sử dụng nguyên liệu tự nhiên thay thế cho nguyên liệu than đá, điện vào quá trình sản xuất. Qua đó đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm năng lượng điện và tăng thêm lợi nhuận cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng nhờ vào công tác hỗ trợ của TTKC&TKNL Thanh Hóa, Công ty CP Xuất khẩu Hoàng Long có thêm kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy Harichson. Theo ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi chuyên sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu cói, bèo bồng, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy Harichson. Qua đó, Công ty có thể chủ động sấy khô nguyên liệu, không còn phụ thuộc vào thời tiết và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước”.
Ngoài hai doanh nghiệp kể trên, nhiều doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương do TTKC&TKNL Thanh Hóa trực tiếp triển khai thực hiện trong những năm qua. Được biết, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017, đã có gần 30 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được TTKC&TKNL hỗ trợ sản xuất, với tổng số tiền lên tới gần 10 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Việt Hồng - Trưởng phòng Khuyến công và Tư vấn, TTKC&TKNL tỉnh, cho hay: “Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn những năm qua luôn được Trung tâm đẩy mạnh. Việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm thiểu tiêu tốn điện năng”.
Không chỉ vậy, TTKC&TKNL cùng Trạm Khuyến nông huyện còn phối hợp với các cấp hội phụ nữ huyện Nga Sơn tiến hành tổ chức mở lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hàng nghìn hội viên; đồng thời, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài huyện. Thông qua đó, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Với những kết quả đạt được, hiện TTKC&TKNL đã và đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đến các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Trung tâm không ngừng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai sâu rộng công tác đào tạo nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Đặc biệt, chú ý tới công tác thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào Thanh Hóa.
Nguyễn Long Trọng