Toàn tỉnh Bắc Giang có 39 làng nghề thì làng nghề sản xuất mỳ gạo Chũ là một trong những làng nghề đã từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, có sự tăng trưởng khá, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn.
Hiện nay, toàn xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có hơn 500 hộ làm mỳ gạo, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng - 10 triệu đồng/người/tháng, tổng sản lượng toàn xã năm 2020 đạt khoảng 20.000 tấn, doanh thu đạt 400 tỷ đồng.
Đồng hành cùng quá trình phát triển của làng nghề mỳ gạo Chũ là sự tiếp sức đáng kể của hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang. Giai đoạn năm 2008 - 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC&XTTM) tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, hỗ trợ cho các hộ sản xuất khôi phục kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Điển hình sau trận lũ lịch sử năm 2008, TTKC&XTTM tỉnh đã hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị hư hỏng máy móc, thiết bị sản xuất. Trong giai đoạn này, TTKC&XTTM phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề sản xuất mỳ gạo cho hơn 300 lao động ở địa phương; hỗ trợ được 8 hợp tác xã (HTX) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ cho 18 HTX thiết kế, in ấn thử nghiệm mẫu mã, bao bì, tem truy nguồn gốc sản phẩm; thực hiện đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu sản phẩm cho 01 HTX; hỗ trợ xây dựng 01 nhà trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mỳ Chũ tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất của làng nghề. Mặt khác, Trung tâm còn hỗ trợ kinh phí hàng năm cho 10 HTX đưa sản phẩm, hoặc trực tiếp tham gia tại các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu trong nước.
Mặc dù kinh phí khuyến công hỗ trợ chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát triển ở địa phương nhưng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX, làng nghề sản xuất. Thời gian tới, TTKC&XTTM sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, hệ thống xử nước thải trong sản xuất; đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất của mỳ gạo; hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm mỳ gạo Chũ thông qua các đợt bình chọn, tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động của các HTX, làng nghề đáp ứng yêu cầu cao của thị trường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay… Hy vọng, với những mục tiêu và giải pháp đưa ra, TTKC&XTTM tỉnh sẽ là đơn vị sát cánh cùng làng nghề, đưa thương hiệu mỳ gạo Chũ vươn xa hơn nữa, góp phần làm thay đổi nhanh chóng vùng nông thôn miền núi huyện Lục Ngạn./.
Như Trang