Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất các cơ sở công nghiệp nông thôn phải đối mặt hiện nay đó là thiếu hụt lao động, trong khi lao động nông nhàn còn nhiều nhưng không đáp ứng được vì không có tay nghề. Vì vậy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn gắn với đào tạo nghề, truyền nghề và giải quyết việc làm tại chỗ là một trong những giải pháp thiết thực góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương.
Hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được các cấp đặc biệt quan tâm. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ người học trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó quy định các đơn hàng thuộc lĩnh vực đào tạo nghề liên quan tới phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ lệ cao (18/36 nghề). Điều đó cho thấy rõ định hướng phát triển của tỉnh và cũng là xu thế chung đối với việc ưu tiên đấy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn.
Trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn liên quan đến công nghiệp nông thôn thì nội dung hoạt động đào tạo nghề của Chương trình Khuyến công được đánh giá cao vì tính chất đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của cơ sở sản xuất.
Chương trình Khuyến công là tập hợp các nội dung về hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở các địa phương.
Đối với nội dung đào tạo nghề, truyền nghề của Chương trình Khuyến công thực hiện đào tạo theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề. Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (tối đa 3 tháng) gắn với cơ sở CNNT. Mục tiêu đào tạo là trang bị cho người lao động các kỹ năng, kỹ thuật phù hợp với thực tế đầu tư trang thiết bị, công nghệ của cơ sở CNNT, đảm bảo lao động sau đào tạo có tay nghề, kỹ thuật, có khả năng vào làm việc ngay được trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Hoạt động khuyến công Yên Bái trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cả trong những giá trị số liệu cụ thể cũng như vai trò, sứ mệnh mà chương trình truyền tải, thực sự rất thiết thực đối với các cơ sở sản xuất CNNT. Góp phần động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tạo niềm tin cho cơ sở đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Với tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2017 Trung tâm Khuyến công đã tham mưu cho Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt đề án đào tạo nghề chế biến chè cho lao động nông thôn.
Căn cứ Quyết định phê duyệt số 523/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh Yên Bái, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh (huyện Văn Chấn) tổ chức 01 khóa đào tạo nghề chế biến chè cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn, gắn với nhu cầu về lao động của Doanh nghiệp trên địa bàn.
Khóa đào tạo nghề chế biến chè trình độ sơ cấp tổ chức tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đã cung cấp cho 25 lao động chưa qua đào tạo nghề có được đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong quá trình chế biến chè, về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động và có thái độ lao động chuyên nghiệp với tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật cao. Đồng thời là nguồn cung lao động chất lượng qua đào tạo cho doanh nghiệp, bổ sung kịp thời trong thời kỳ mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh.
Nguồn Sở Công Thương Yên Bái