Điều này vô hình trung lại “ngược” lại với kiến nghị của hàng loạt các DN gas một số tỉnh nhỏ, tỉnh miền núi phía Bắc gửi đến Thủ tướng Chính phủ, VCCI và các cơ quan công luận thời gian qua.
Khó kiểm soát?
Theo Hiệp hội gas Thanh Hóa, NĐ 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 ra đời đã tháo gỡ một số khó khăn cho DN… hơn nữa theo Hiệp hội này, nếu loại bỏ các điều kiện kinh doanh thì:
Thứ nhất, hiện có quá nhiều thương nhân không đáp ứng được điều kiện về bồn chứa, vỏ chai LPG thì nay nghiễm nhiên tham gia vào thị trường này đồng nghĩa việc thừa nhận những thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực dẫn đến việc tham gia cung ứng tràn lan, nhà nước không kiểm soát được thị trường cũng như an toàn cháy nổ.
Thứ hai, việc có nhiều thương nhân đầu mối không đầu tư đáp ứng điều kiện sẽ lũng loạn thị trường, tranh giành ký đại lý, khách hàng bằng việc thu mua chai của các hãng khác để nạp và bán ra thị trường. Điều này sẽ làm thất thoát chai, thậm chí chiếm dụng vỏ chai gây tổn hại đến sự sống còn cho DN chúng tôi.
Thứ ba, quy định đại lý chỉ được ký với 3 thương nhân đầu mối có ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng thị trường nhưng điều này giúp thị trường bán lẻ vốn đã rất lộn xộn sẽ ổn định hơn, việc kiểm soát vỏ bình của thương nhân đầu mối được thuận lợi hơn.
Thứ tư, thị trường kinh doanh gas nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều hành vi gây nguy hại cho người sử dụng, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội như : Chiếm dụng vỏ chai, cưa tai, mài chữ ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu… Nhiều trạm nạp không đủ điều kiện, chủ yếu nạp thuê, nạp vào chai không đáp ứng đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường…
Vì vậy, các thành viên trong Hiệp hội gas Thanh Hóa đề nghị:
Giữ nguyên điều kiện trạm nạp gas vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh đầu mối để gắn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh đầu mối với các hoạt động của trạm nạp vào chai thuộc thương nhân quản lý.
Giữ nguyên quy định về sở hữu bồn chứa 300 m3 và 100.000 vỏ chai gas theo Nghị định 19/2016/NĐ – CP.
DN gas vùng sâu, vùng xa… kêu cứu
Tuy nhiên, ngay từ khi Nghị định 19/2016/NĐ – CP ra đời, nhiều DN kinh doanh gas tại các vùng sâu vùng xa lại cho rằng mình “ngắc ngoải” khi bỏ ra 50 tỷ đồng để đầu tư đúng với chuẩn quy định trong khi nhu cầu của thị trường không cao so với số lượng cung ứng của DN.
Theo giải thích của đại diện Bộ Công Thương, quy định về điều kiện tối thiểu vỏ chai và bồn chứa là để các DN phải lớn lên. DN có thể sáp nhập lại với nhau thành một DN đủ điều kiện hoặc giải thể bán lại cơ sở vật chất cho DN lớn hơn. Tuy nhiên, rất khó để DN liên kết theo kiểu cơ học như vậy. Nếu chỉ tập trung nhau trong một DN mang tính hình thức thì có thể đạt được điều kiện của Nghị định 19. Như vậy chẳng khác nào đẩy khó về cho các DN và mang sự tiện lợi về cho cơ quan quản lý. Còn trường hợp buộc DN phải giải tán, phá sản, bán tài sản cho DN lớn thì nhà đầu tư sẽ nói gì về môi trường đầu tư kinh doanh tại VN?
Tại các cuộc gặp, đối thoại với DN gần đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đều khẳng định, cơ quan này sẽ lắng nghe và tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị từ phía DN và sẽ có chỉnh sửa Nghị định 19 trong thời gian tới, theo hướng tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho các DN lĩnh vực này.
Nguồn Doanhnghiepvn.vn