Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:22:50 GMT+7
Lượt xem: 13482

Tin đăng lúc 10-11-2018

Kiến tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đột phá về chính sách thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, Hải Dương đã nhanh chóng trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp của cả nước.
Kiến tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp
Hải Dương hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp và thành phố trực thuộc Trung Ương

Theo ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, phát huy những thành tựu này, tiếp tục khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của tỉnh, sớm trở thành tỉnh công nghiệp, chính quyền tỉnh đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); hướng đến xây dựng chính quyền năng động và kiến tạo.

 

“Điểm hội tụ” đầu tư

 

Hải Dương - Trấn Đông xưa có vị trí quan trọng chiến lược trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùngnhững truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời. Hải Dương ngày nay nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong vùng Thủ đô Hà Nội, giữa tam giác phát triển kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí địa kinh tế như vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương xác định mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong thời gian tới. Để thực hiện thành công mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất...

 

Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của Hải Dương có nhiều thành tựu đáng mừng trong thời gian qua. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt 289,8 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2017. Cụ thể: cấp mới cho 17 dự án với số vốn đăng ký 47,8 triệu USD. Qua đó, nâng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn lên 379 dự án, tổng vốn 7.525,3 triệu USD; tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 4.400 triệu USD; thu hút trên 170.000 lao động và hàng vạn lao động gián tiếp khác.


Bên cạnh đó, tỉnh cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 19 lượt dự án với số vốn tăng thêm 242 triệu USD, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2017. Đáng lưu ý, nhiều dự án tăng vốn lớn như Công ty TNHH Kefico tăng thêm 120 triệu USD; Chi nhánh Công ty TNHH khí công nghiệp Messer Hải Phòng tăng 22,8 triệu USD; dự án may Tinh Lợi tăng 49,2 triệu USD; Công ty TNHH Best Pacific tăng thêm 20 triệu USD...

 

Tuy nhiên, có một thực tế các dự án trên địa bàn tỉnh đa phần là các dự án có quy mô vốn nhỏ và trung bình, sử dụng công nghệ không cao, đóng góp ít vào ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, trong buổi làm việc với tỉnh vào tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Hải Dương cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ FDI, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư, để Hải Dương trở thành địa phương năng động và phát triển toàn diện thuộc nhóm đầu của Việt Nam. Đồng thời, tỉnh tiếp tục khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số doanh nghiệp lên khoảng 20 - 22.000 doanh nghiệp.

 

Lan tỏa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng việc tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cởi mở và thân thiện, an toàn. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ chính sách đối với nhà đầu tư, các cấp chính quyền còn tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời xử lý vướng mắc nảy sinh...

 

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, thời gian qua mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương vẫn còn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đang nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

 

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh CCHC gắn công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công; rút ngắn thời gian giải quyết gắn với cắt giảm thủ tục không cần thiết; khẩn trương đưa Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động. Tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai có hiệu quả Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4...

 

Đối với hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (Tích cực triển khai thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ; tăng cường thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; khuyến khích và hỗ trợ để các hộ cá thể mở rộng quy mô, đăng ký thành lập doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch...).


Hải Dương phấn đấu nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI năm 2018 cao nhất cả nước. “Trong bối cảnh hiện nay, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh chịu áp lực rất lớn. Song đúng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nếu từ lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng có quyết tâm lớn, có “khát vọng mạnh mẽ hơn”, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hải Dương sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra”,Chủ tịch Nguyễn Dương Thái khẳng định.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang