Thực hiện Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, theo đó, Khuyến công Bình Phước tiếp tục được giao thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều” cho 10 cở sở CNNT. Cụ thể, 04 cơ sở nghiệm thu lần này gồm: Công ty TNHH Một thành viên Sỹ Châu (Máy bóc vỏ lụa hạt điều, model: 2023; công suất 400-500 kg/giờ; xuất xứ: Việt Nam; máy mới 100%); Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại Tứ Linh (Máy bóc vỏ lụa hạt điều, model: 2023; công suất 400-500 kg/giờ; xuất xứ: Việt Nam; máy mới 100%); Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Hân Anh (Máy phân loại màu hạt điều nhân sống, model: BS600DY-FX; công suất: 1-2 tấn/giờ; xuất xứ: Trung Quốc; máy mới 100%); Công ty TNHH Một thành viên Chế biến nông sản Trường Thủy (Máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, model: 6SXZ-240KF3-P1(240KFS3); công suất: 3,5-4,5 tấn/giờ; xuất xứ: Trung Quốc; máy mới 100%).
Theo ông Phan Văn Thành - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bù Đăng cho biết: Hạt điều là sản phẩm thế mạnh của địa phương, đã đem lại giá trị kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở CNTT đã quan tâm đầu tư, ứng dụng máy móc, mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, góp phần để hạt điều Bình Phước tỏa đi khắp thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước những thực trạng nền kinh tế có nhiều biến động, các cơ sở CNNT đang gặp nhiều khó khăn trong đầu tư máy móc, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Thành cũng mong nuốn, các cơ sở CNNT trên địa bàn của huyện tiếp tục được quan tâm hơn nữa từ Nhà nước, nhất là, nguồn kinh phí từ Khuyến công, giúp cho các cơ sở CNNT tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Hân Anh (thôn 1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) - đơn vị thụ hưởng vui mừng, chia sẻ: Trước đây công việc chế biến hạt điều làm thủ công rất vất vả, người công nhân phân loại, chẻ điều cần mang bao tay, thiết bị bảo hộ tránh tiếp xúc với mủ điều, bởi mủ điều có thể làm thủng bao tay gây bỏng rát, thậm chí bị lở loét ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động... Thay vì làm thủ công, đến nay đơn vị đã đầu tư thiết bị công nghệ, ngoài máy móc thông dụng phục vụ sản xuất hạt điều như: Lồng hấp, giàn máy chẻ, sàng, máy sấy, máy bóc vỏ lụa, năm 2023, được hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí khuyến công, doanh nghiệp đã đầu tư mua “Máy phân loại màu hạt điều nhân sống”. Lợi ích đem lại khi đầu tư máy đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công… đảm bảo chất lượng hạt điều từ khâu thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ.
Công ty TNHH Một thành viên Chế biến nông sản Trường Thủy (Số 279, thôn 3, Xã Thống Nhất, Huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước) chuyên sản xuất hạt điều rang muối, sản phẩm đã chinh phục người tiêu dùng. Theo ông Chu Văn Chiến - Giám đốc Công ty cho biết: Là đơn vị chuyên sản xuất và chế biến hạt điều rang muối, đặc sản của địa phương, với mong muốn đưa hạt điều đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế, thời gian qua, đơn vị đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc, thiết bị trong chế biến điều. Tuy nhiên, để đồng bộ hóa máy móc thiết bị trong chế biến điều, đơn vị đã tiếp tục đầu tư (Máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, model: 6SXZ-240KF3-P1(240KFS3); công suất: 3,5-4,5 tấn/giờ; xuất xứ: Trung Quốc; máy mới 100%) nhờ một phần từ nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2023. Với hệ thống máy móc hiện đại và áp dụng công nghệ tự động, dễ sử dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Là một trong 8 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Cambuchia. Chính vì vậy, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang là đòn bẩy cho phát triển kinh tế – xã hội nơi đây. Cùng với đó, Bình Phước đã huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các cơ sở CNNT đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế.
Đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực công nghiệp tăng mạnh, góp phần giữ vững ổn định anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh, tạo động lực để tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, nhằm nâng cao vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thu Hằng