Thứ Sáu, 22/11/2024 11:59:42 GMT+7
Lượt xem: 783

Tin đăng lúc 24-10-2023

Kinh tế làng nghề chè truyền thống đang vươn mình phát triển từng ngày

Vốn từng được biết đến là địa phương nghèo với đời sống kinh tế khó khăn, nhưng đến nay, xóm Phả Lý (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã thực sự “thay da đổi thịt” và trở thành một trong những làng nghề chè truyền thống có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế.
Kinh tế làng nghề chè truyền thống đang vươn mình phát triển từng ngày

Để có được sự phát triển đó, một phần cũng là nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC Thái Nguyên) đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ làng nghề ứng dụng nhiều máy móc thiết bị trong sản xuất chè, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

         

Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu và kỹ thuật trồng chè của người dân, nên từ nhiều năm qua, Phả Lý luôn là một trong những xóm có diện tích trồng chè lớn nhất của xã Văn Hán. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, vài năm trở về trước, cây chè chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi, việc sản xuất chè vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong khâu chế biến và bảo quản vẫn làm theo phương pháp thủ công. Người dân chưa biết cách ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào quá trình sản xuất nên sản phẩm chè làm ra chưa đạt được chất lượng tối ưu và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Do vậy, giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên thị trường thấp.

         

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, TTKC Thái Nguyên đã duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ và UBND xã Văn Hán để thực hiện nhiều đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất chè cho các cơ sở sản xuất tại xóm Phả Lý. Đơn cử, chỉ tính riêng trong năm 2023 này, thông qua nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, TTKC Thái Nguyên đã hỗ trợ cho Tổ hợp tác Chè xóm Phả Lý 76 máy vò chè Inox với tổng số vốn đầu tư trên 400 triệu đồng.

 

Do đều là những thiết bị máy móc tiên tiến nên sau một thời gian sử dụng, các thành viên trong Tổ hợp tác nhận thấy rằng, máy vò chè giúp tiết kiệm thời gian và nhân công so với cách làm truyền thống trước đây; Máy tạo ra năng suất và có thời gian sử dụng lâu hơn so với các loại cối vò thông thường. Nhờ có máy vò chè mà lá chè săn chắc, đẹp hơn, đều hơn và không bị vụn vỡ mất búp chè xanh. Sau khi công đoạn vò chè hoàn thành, lá chè tiếp tục được cho vào bom sao chè. Sự gia nhiệt, kết hợp với hệ thống quạt gió sẽ làm bay hơi nước hoàn toàn của lá chè để chè được khô. Đặc biệt, do truyền động bằng động cơ điện, mâm vò bằng gỗ có kết cấu vững chắc, kết hợp với bánh răng Inox cho phép tạo ra các sản phẩm chè cánh nhỏ, đẹp, không bị vụn. Từ đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè làm ra và giá trị tăng từ 20 – 25% so với phương pháp thủ công.

 

* Sơ đồ quy trình công nghệ sản xuất chè búp:

 

 

Ông Nguyễn Trọng Vân – Tổ trưởng Tổ hợp tác Chè xóm Phả Lý cho biết: Trải qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của thị trường, cũng như tiềm năng về đầu ra của các sản phẩm từ trà xanh, Tổ hợp tác chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc… Trong quá trình thực hiện, Đơn vị đã gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ được sự quan tâm, ủng hộ của TTKC Thái Nguyên thì đến nay, Tổ hợp tác Chè của chúng tôi đã có những bước phát triển tích cực. Đặc biệt, thông qua hệ thống máy móc hiện đại do Trung tâm hỗ trợ, các sản phẩm trà làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng. Ngoài ra, với công suất hoạt động ổn định, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất, đồng thời đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng, nên chúng tôi còn có thêm điều kiện thu gom lượng lớn chè xanh từ người dân xung quanh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, cũng như mở rộng diện tích đất trồng chè tại địa phương.

 

 

Máy vò chè đã giúp Tổ hợp tác Chè xóm Phả Lý tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên chia sẻ: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Tổ hợp tác Chè xóm Phả Lý đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất đã giúp Tổ hợp tác nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Từ đó, nâng cao uy tín, thương hiệu của Đơn vị trên thị trường, cũng như tạo điều kiện từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đem lại nguồn lợi nhuận cho cơ sở sản xuất và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương”.

 

Ông Nguyễn Xuân Hiền – Chủ tịch UBND xã Văn Hán khẳng định: Từ ngày Tổ hợp tác, cùng các hộ kinh doanh, sản xuất chè trên địa bàn xóm Phả Lý được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất chè thì tổng sản lượng chè thành phẩm của xóm Phả Lý tăng lên đáng kể. Do nâng cao chất lượng nên giá bán chè cũng cao hơn và kinh tế của người dân cũng từ đó mà phát triển hơn. Hiện nay, các hộ gia đình trồng và kinh doanh chè trong xóm Phả Lý đều đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi. Đại diện chính quyền địa phương và người dân chúng tôi rất mong muốn trong những năm tới, TTKC Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho xóm Phả Lý nói riêng, cũng như các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn xã Văn Hán nói chung.

 

Lê Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang