Ngày 28/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Bussiness 2016). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 90/189 quốc gia, nền kinh tế được khảo sát, tăng 3 bậc so với năm 2015.
Đứng đầu về cải cách
Tuy thứ hạng không thay đổi nhiều nhưng có thể thấy rằng những nỗ lực của Chính phủ (với 2 nghị quyết cùng mang số 19) cũng như của các bộ, ngành đã được quốc tế ghi nhận, phản ánh phần nào vào sự thay đổi chỉ số theo hướng tích cực này.
Cùng với đó, một số chỉ số khác như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, tiếp cận điện năng là chỉ số có kết quả thay đổi tốt nhất, tăng tới 22 bậc so với năm 2014 và đứng ở vị trí 108. Thời gian tiếp cận điện năng đã giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày.
Tuy nhiên, một số chỉ số khác như giấy phép xây dựng, bảo vệ quyền tài sản, thực hiện hợp đồng không thay đổi nhiều. Cá biệt, chỉ số thương mại qua biên giới và chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tụt 1 bậc so với năm trước.
Trong số 10 nước ASEAN, Singapore vững vàng ở vị trí số 1 thế giới, Malaysia đứng thứ 18, Thái Lan đứng thứ 49, Brunei đứng thứ 84, Việt Nam đứng thứ 90, Philippines ở vị trí 103, Indonesia vị trí 109, Campuchia xếp 127, Lào ở vị trí 134, Myanmar xếp 167.
Báo cáo của WB cũng cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 12 nền kinh tế thực hiện trên 4 cải tổ để tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Cùng với Nga, Hongkong (Trung Quốc), Cyprus, Việt Nam đứng đầu nhóm các quốc gia đang thực hiện cải cách môi trường kinh doanh với 5 cải tổ và cũng là nước đứng đầu trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Lý giải về điều này, một số chuyên gia cho rằng thời điểm kết thúc điều tra của WB là vào 31/5/2015. Do đó, một số cải cách, đổi mới tại Việt Nam chưa được ghi nhận do văn bản chưa có hiệu lực hoặc vừa mới ban hành nên kết quả chưa rõ ràng.
Hơn nữa, các nước khác cũng thực hiện cải cách. Vì thế, nếu Việt Nam tiến hành cải cách nhưng không đủ mạnh thì cũng khó có sự thay đổi chỉ số mạnh mẽ.
Cùng chung nhận định, đại diện Tổng cục Thuế cho biết mục tiêu về giảm số giờ tuân thủ của doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị này cho biết đã giảm được 420 giờ nhưng trong báo cáo của WB chỉ ghi nhận giảm 40 giờ nộp thuế.
Điều này được lý giải là do báo cáo của WB chỉ ghi nhận những kết quả từ thời điểm văn bản có hiệu lực. Do đó, các kết quả này sẽ được ghi nhận đầy đủ trong các báo cáo năm 2017 và 2018.
VN-Index chinh phục mốc 600
Kết thúc phiên cuối tuần (30/10), chỉ số VN-Index tăng 2,17 điểm (0,36%) lên 607,37 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 112 mã giảm và 78 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 91 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.039,66 tỉ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng chỉ có được mức tăng nhẹ 0,22 điểm (0,27%) lên 82,23 điểm.
Trước đó vào ngày 29/10, thị trường đã có một phiên giao dịch sôi động, đầy hứng khởi. Kết phiên, VN-Index tăng tới xấp xỉ 9 điểm và chinh phục thành công mốc điểm 600.
* Đầu tuần, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, gần 9,5 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV In Tài chính đã được bán hết, với giá đấu thành công bình quân 10.097 đồng/cổ phần, thu về gần 95,4 tỉ đồng.
* Vừa qua, hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) vừa công bố Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu trong danh sách 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam với hơn 1,1 tỉ USD.
Thành lập năm 1976, sau gần 40 năm, Vinamilk hiện là công ty sữa lớn nhất Việt Nam với giá trị thị trường là gần 6 tỉ USD và được đánh giá là doanh nghiệp niêm yết hàng đầu, mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng cho cổ đông cũng như nhà đầu tư trung, dài hạn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thoái toàn bộ 45,1% vốn tại Vinamilk do SCIC nắm giữ.
Thông xe Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên-Huế
Ngày 31/10, gần 80 km thuộc các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường và xây dựng hầm đường bộ đã được thông xe.
Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm nhiều đoạn, dài gần 72 km, thi công theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư hơn 3.860 tỉ đồng. Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia nằm trên tuyến Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 1.741 tỉ đồng, với quy mô chiều dài toàn tuyến trên 7,8 km. Trong đó, hầm Phước Tượng dài 357 m, hầm Phú Gia dài 447 m, còn lại là cầu và phần đường dẫn.
* Tối 30/10 tại TPHCM, ngành dầu khí Việt Nam đã tổ chức lễ đón dòng dầu đầu tiên từ giàn H5, mỏ Tê Giác Trắng. Thành công này đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với việc bổ sung sản lượng khai thác 10.000-12.000 thùng dầu/ngày.
Cá ngừ đại dương và quả xoài sang Nhật
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, kể từ thỏa thuận ngày 17/9 để xoài Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản, cho đến nay đã có 3 lô xoài Cát Chu được xuất khẩu với sản lượng 2 tấn.
Xoài Việt Nam đã được người dân Nhật Bản bước đầu tin dùng. Với các lô xoài đã xuất khẩu, giá giao cho đơn vị phân phối tại Nhật là từ 7,5-8 USD/kg, trong khi đó đối thủ cạnh tranh trực tiếp là xoài Thái Lan hiện nay trung bình đạt 5 USD/kg.
* Sáng 31/10, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra lễ giao nhận công nghệ và ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân Bình Định.
Tại buổi lễ, ngoài việc trao ngư cụ đánh bắt cá ngừ, các chuyên gia tới từ Nhật Bản đã giới thiệu dự án, tính năng ưu việt của các thiết bị đánh bắt như máy xung điện, lưới, lưỡi câu, mồi câu..., và hướng dẫn quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ cho ngư dân.
Vào tháng 8/2014, chuyến hàng cá ngừ đầu tiên ứng dụng công nghệ mới, chất lượng tươi ngon của ngư dân miền Trung đã được xuất sang Nhật Bản, tham gia phiên bán đấu giá và được người tiêu dùng tại đây đánh giá cao.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ