Trong nửa đầu năm 2022, TTKC đã tập trung vào một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch bệnh Covid-19 nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, TTKC cũng khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tập trung đôn đốc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong cụm công nghiệp.
TTKC cũng chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn của DN trong sản xuất, lưu thông và xúc tiến tiêu thụ hàng hóa để tháo gỡ kịp thời, phục hồi và đẩy mạnh kinh doanh, đặc biệt là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được Kon Tum triển khai định kỳ 2 năm một lần. Trong 6 năm qua, hoạt động này thu hút nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn với số lượng sản phẩm tham gia bình chọn tăng cao qua từng đợt.
Theo thống kê của TTKC, đến nay Kon Tum đã tổ chức được 4 đợt bình chọn. Kết quả, có 44 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 9 sản phẩm được công nhận ở cấp khu vực và 6 sản phẩm đạt danh hiệu ở cấp quốc gia. Hiện tại, Sở Công Thương đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương xét bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên đối với 5 sản phẩm gồm: Nước yến sâm Kon Tum (Công ty TNHH Yến sào Kon Tum); Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa (Hợp tác xã Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum); Trà Sâm dây Ngọc Linh DATO (Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên); Chè sạch Đông Trường Sơn (Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn) và Hồng đẳng sâm Vinnate (Công ty TNHH Vinnate).
Ông Võ Văn Mười, Giám đốc TTKC Kon Tum cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng và quyền lợi khi sản phẩm được công nhận là tiêu biểu các cấp như được in logo của chương trình lên bao bì sản phẩm, ưu tiên xét chọn hỗ trợ kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ giao công nghệ, tham gia các hoạt động nối cung- cầu hàng hóa... các DN, hợp tác xã, chủ thể sản xuất ngày càng hào hứng tham gia bình chọn. Đặc biệt, để tham gia chương trình, nhiều cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói. Hoạt động bình chọn được xét duyệt qua nhiều bước nên đã tìm ra các sản phẩm thật sự tiêu biểu, có chất lượng, có tiềm năng phát triển”.
Đồng thời, TTKC tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của Kon Tum. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm lợi thế của tỉnh…
Trung tâm cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công địa phương, thường xuyên xây dựng, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển CNNT ngày càng phù hợp với thực tế tại địa phương; đặc biệt là quy trình xây dựng, xét duyệt và kiểm tra thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển CNNT.
Theo ông Võ Văn Mười, thời gian qua, Kon Tum cũng triển khai nhiều hoạt động khuyến công, hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý cho các DN, cơ sở sản xuất. TKKC luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm ở trong và ngoài nước; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu với các nhà phân phối lớn trong toàn quốc.
Trong thời gian tới, TTKC sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh, bền vững; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Minh Phương