Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu cho doanh nghiệp và tổ chức công đoàn ngành Điện
“…Chuyển đổi số là cơ hội vô giá để ngành truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này chúng ta sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới, hướng đến mục tiêu năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và năm 2030, EVNNPT đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện…”
Đó chính là chỉ đạo, định hướng của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trong Chương trình đào tạo phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho CBCNV EVNNPT năm 2021.
Quán triệt chỉ đạo của Bí thư, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng, ngay khi Đảng ủy EVNNPT ban hành một loạt các nghị quyết, kế hoạch, Hội đồng thành viên EVNNPT ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4, Ban Tổng giám đốc EVNNPT ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số trong EVNNPT giai đoạn 2021-2025.., Công đoàn EVNNPT xác định đồng hành với chuyên môn trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, công đoàn cần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức công đoàn trên không gian mạng, dưới dạng số hóa, trong đó trọng tâm là công tác quản lý đoàn viên, công tác quản lý kinh phí, đoàn phí, truyền thông công đoàn, tạo sự biến chuyển trong cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ EVNNPT hiện đại, lớn mạnh…
Lãnh đạo Công đoàn EVNNPT truyền thông về cơ hội, thách thức khi tham gia quá trình chuyển đổi số cho người lao động
Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn EVNNPT, 10/10 công đoàn cơ sở đã tích cực triển khai ứng dụng về công nghệ số trong văn hóa giao tiếp, cách làm việc, phương thức điều hành hoạt động của tổ chức với mục tiêu triển khai thống nhất hệ thống Văn phòng số (Digital Office). 100% hồ sơ được số hóa. Các văn bản, giấy tờ đều được phát hành, ký chữ ký điện tử. Công tác quản lý đoàn viên, quản lý kinh phí, đoàn phí, báo cáo hoạt động công đoàn được triển khai trên phần mềm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.. Qua đó, không chỉ giúp cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp nắm bắt về phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời mà còn nâng cao hiệu quả công tác quả lý tài chính, tài sản công đoàn; ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng, kịp thời giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên CNVCLĐ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Cán bộ công đoàn EVNNPT cập nhật phần mềm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về quản lý đoàn viên
Là một công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn đi đầu trong công tác chuyển đổi số trong EVNNPT, đồng chí Nguyễn Đăng Thông - Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 2 cho rằng “Trong công tác chuyển đổi số, công đoàn không đứng ngoài cuộc. Không chỉ tăng cường tuyên truyền để người lao động nâng cao nhận thức, trang bị cho người lao động những thiết bị công nghệ, chính tổ chức công đoàn và từng cán bộ công đoàn cần thay đổi tư duy, nhận thức, tự trao dồi kỹ năng, tiếp cận với công nghệ mới để có thể đáp ứng với yêu cầu công việc trong tình hình mới, thích ứng trong mọi hoàn cảnh…”
Công ty Truyền tải điện 2 sử dụng "Rồng lửa 2", phiên bản "Rồng y tế" để phun thuốc khử khuẩn tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, ngày 31/3/2020
Và cũng chính việc thích ứng linh hoạt, chủ động, kết hợp với công nghệ đã giúp Công đoàn EVNNPT vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của bão lũ, dịch bệnh Covid-19 để làm tốt vai trò chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Với trợ giúp đắc lực của các nền tảng số, các cuộc họp, hội nghị được kết nối thông suốt tới nhiều điểm cầu từ Tổng công ty đến các tổ, đội, trạm sản xuất; các cuộc khảo sát lấy ý kiến người lao động được tiến hành nhanh, hiệu quả; công tác hội họp, chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh được tiến hành qua hội nghị trực tuyến, Zoom meeting; tài liệu họp được quét mã QR code…đã tiết kiệm nhiều chi phí cho Tổng công ty và các đơn vị.
Hay trong lĩnh vực truyền thông công đoàn, độc giả đã quá quen với hình ảnh các báo cáo viên, tuyên truyền viên “độc thoại” giảng giải trong các cuộc họp, hội nghị hay phát các tài liệu, ấn phẩm đến tay đoàn viên, người lao động thì nay - với công nghệ - bước đầu của chuyển đổi số - các tuyên truyền viên công đoàn, người lao động đã tương tác, trao đổi hai chiều, góp phần hình thành văn hóa số, văn hóa giao tiếp, ứng xử trên môi trường mạng, đem đến sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác.
Tương tác trên các nền tảng số góp phần hình thành văn hóa số, văn hóa giao tiếp, ứng xử trên môi trường mạng, đem đến sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác cho người lao động
Đặc biệt, với việc điều chỉnh phương án tổ chức Hội nghị (một số đơn vị khu vực Miền Trung tổ chức Hội nghị truyền hình, thành lập các tổ kiểm phiếu tại các điểm cầu phục vụ công tác bầu cử…) nhằm ứng phó với bão Noru, Hội nghị Người lao động EVNNPT năm 2022 đã thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng mạnh mẽ với các đại biểu, người lao động trong EVNNPT khi lần đầu tiên trong lịch sử hội họp, TƯLĐTT EVNNPT năm 2022 được Tổng Giám đốc EVNNPT và Chủ tịch Công đoàn EVNNPT ký kết, truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu Hà Nội và Đà Nẵng - thể hiện sự thích ứng, linh hoạt và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động của Công đoàn EVNNPT.
Cùng với chuyên môn, Công đoàn EVNNPT đã tham gia sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với chuyển đổi số trong từng lĩnh vực: quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, công nghệ thông tin và tự động hóa. Với phương châm để chuyển đổi số thành công phải đặt con người làm trung tâm, chuyển đổi từ nhận thức, từ năm 2019, Công đoàn EVNNPT đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động của Công đoàn về chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan Công đoàn với mục tiêu đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận thức về an toàn thông tin đến toàn thể CBCNV trong Tổng công ty; vận động CBCNV tham gia đầy đủ các khóa đào tạo E-learning kết hợp cuộc thi online để phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin đến toàn thể CBCNV; cử cán bộ công đoàn tham gia các khóa đào tạo về nhận thức, chiến lược, quản trị chuyển đổi số với các quan điểm định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của EVN, EVNNPT về chuyển đổi số, các thói quen văn hóa thúc đẩy chuyển đổi số; mở các kênh tiếp nhận thông tin, ý kiến đề xuất, kiến nghị, thắc mắc của đoàn viên qua đó kịp thời tư vấn, hỗ trợ người lao động góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.
Bên cạnh các phong trào thi đua mũi nhọn truyền thống của Tổng công ty như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, phong trào thi đua liên kết, các công trình gắn biển chào mừng, Công đoàn EVNNPT đề xuất đưa việc điều khiển UAV trong quản lý, vận hành lưới truyền tải điện là một trong những nội dung thi Thợ giỏi cấp EVNNPT, EVN khối Truyền tải điện; phối hợp với chuyên môn ban hành Chỉ thị liên tịch số 1692/CTLT-EVNNPT-CĐ về việc phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia” với 3 giai đoạn.
Các thí sinh thi thợ giỏi cấp Tập đoàn đang tập trung thực hiện phần thi điểu khiển UAV trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải
Kết quả giai đoạn 1, đã xét chọn và đăng ký 02 sản phẩm tham gia giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021”. Tuyên truyền, vận động CNVCLĐ trong Tổng công ty tham gia Cuộc thi trắc nghiệm online về “Chuyển đổi số trong EVNNPT”. Giai đoạn 2, đã trao giải thưởng cho 05 sản phẩm/15 giải pháp xuất sắc, tiêu biểu trong Cuộc thi “Tìm kiếm các giải pháp Chuyển đổi số trong EVNNPT năm 2022”. Giai đoạn 3, EVNNPT đã có quyết định khen thưởng 06 tập thể, 68 cá nhân đã đoạt thành tích cao trong Cuộc thi theo 4 thể loại (bài viết, sáng tác thơ, nhạc, ảnh) năm 2023.
Song song với phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số trong EVNNPT”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong EVNNPT đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo đoàn viên, CBCNV tham gia. Hưởng ứng Chương trình “709 sáng kiến trong EVNNPT”, “10.000 sáng kiến trong EVN”, “1 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn, EVNNPT đã có 1.103/709 sáng kiến, đạt 156% chỉ tiêu được giao, về đích trước 4 tháng, tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh lộ trình Chuyển đổi số của EVNNPT.
Lãnh đạo Công đoàn EVNNPT (thứ 5 từ trái sang) nhận Bằng khen của Công đoàn ĐLVN trong phong trào thi đua thực hiện Chương trình 1 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức cho người lao động
Có thể thấy, kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số đã giúp EVNNPT thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực: Quản lý đường dây, trạm biến áp và bảo trì thí nghiệm.
Nói về kết quả triển khai chuyển đổi số trong năm 2021 - đỉnh điểm của dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, đồng chí Nguyễn Tuấn Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho rằng “…Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng giúp EVNNPT thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của EVNNPT, EVNNPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân; khởi công 42 dự án, đóng điện 43 dự án theo kế hoạch, trong đó có các dự án quan trọng như TBA 500kV Vân Phong, ĐD 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Dù làm việc từ xa, Tổng công ty vẫn đáp ứng được tất cả nhiệm vụ được giao vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe, đời sống người lao động. Việc áp dụng chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động đã làm tăng năng suất lao động, hỗ trợ CBCNV giảm bớt khối lượng công việc, nâng cao hiệu quả sản xuất. EVNNPT đã triển khai thành công trạm biến áp số đầu tiên tại Việt Nam (TBA 220kV Thuỷ Nguyên) và đóng điện dự án trạm biến áp đầu tiên áp dụng mô hình thông tin công trình BIM (TBA 220kV Krông Ana)…
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng chủ trì Hội thảo (tháng 3/2023)
Tròn 30 năm gắn bó với ngành Điện trong đó có hơn 20 năm đảm nhận công việc trực chính, hơn ai hết, anh Võ Tấn Cường - trực chính tại TBA 220kV Bình Hòa - Truyền tải điện Miền Đông 2 - Công ty Truyền tải điện 4 cảm nhận rõ những lợi ích mà chuyển đổi số mang đến cho những người lao động trực tiếp như anh. Anh chia sẻ “…Khi chuyển đổi số, bằng việc tận dụng tự động hóa quy trình làm việc và xử lý nâng cao, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI)…Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có thể kết nối đến tận các đội, trạm … ghi nhận và lưu trữ thông tin tại đây, giám sát việc làm, việc quản lý vận hành lưới điện, việc quản lý vận hành doanh nghiệp theo cách mà trước đây - khi chưa áp dụng công nghệ số chúng ra không thể thực hiện được. Chuyển đổi số đang thay đổi theo hướng tích cực cách một tổ chức hoạt động từ hệ thống, quy trình làm việc đến văn hóa doanh nghiệp. Lợi ích của chuyển đổi số chính là giúp tập hợp con người và dữ liệu trên một hệ thống chung duy nhất để làm việc cùng nhau hiệu quả hơn...”.
Cũng như anh Võ Tấn Cường, anh Nguyễn Gia Thanh - Nhân viên vận hành đường dây Đội Truyền tải điện Xuân Lộc - Truyền tải điện Miền Đông 1 - Công ty Truyền tải điện 4 cho rằng: “Từ khi triển khai ứng dụng Flycam/UAV để giám sát đường dây truyền tải điện đã giúp cho đơn vị thuận tiện hơn trong việc kiểm tra, phát hiện những vấn đề bất thường để có thể xử lý kịp thời, nhằm ngăn ngừa sự cố đường dây, thiết bị, hành lang lưới điện. Ứng dụng công nghệ này còn giúp đơn vị giảm thiểu thời gian kiểm tra định kỳ đường dây, giảm áp lực về nhân công, giúp tiếp cận được những vị trí địa hình khó khăn mà công nhân không thể tiếp cận được; giúp CBCNV trong Đội nắm bắt tình hình hành lang lưới điện một cách tổng thể hơn, tầm nhận thức và nắm bắt công nghệ nhanh hơn…
Bên cạnh đó, hệ thống Camera tích hợp AI có thể phân tích và nhận biết các hành vi bất thường, chẳng hạn như việc leo trèo lên đường dây hoặc phá hoại cột điện; hỗ trợ trong việc đánh giá và dự đoán tình trạng của đường dây Truyền tải điện. Nhờ khả năng xử lý thông tin nhanh chóng và phân tích dữ liệu từ Camera, hệ thống có thể đưa ra các thông báo tình trạng của các thành phần như cột điện, phụ kiện dây dẫn... để kịp thời đưa ra các biện pháp và phương án xử lý nhằm ngăn chặn sự cố đường dây”.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số cũng đạt ra nhiều thách thức cho người lao động. Để chăm lo, bảo vệ người lao động từ xa, Công đoàn các cấp trong EVNNPT đã tăng cường tuyên truyền những khó khăn, thách thức để người lao động không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; tự học tập qua mạng, qua E-learning, qua đồng nghiệp… nhằm đáp ứng với công việc trong tình hình mới. Cùng với đó, tăng cường đi cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác chuyển đổi số; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đi đầu trong các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và công tác chuyển đổi số. Bằng những hoạt động thiết thực, tổ chức công đoàn đã góp phần không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số trong EVNNPT.
Công đoàn cơ sở tặng ti vi phục vụ công tác chuyển đổi số và các hoạt động nghe nhìn cho người lao động
Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách trong lộ trình chuyển đổi số, nhưng đó cũng là cơ hội bứt phá và có vai trò quyết định đến sự phát triển của EVNNPT trong thời gian tới. Do vậy, “…từng CBCNV cần chủ động tham gia chuyển đổi số, không ngừng học hỏi, không ngừng nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức làm việc, đồng hành, cùng nỗ lực vì mục tiêu chung của EVNNPT”…, đó là thông điệp mạnh mẽ mà Chủ tịch Công đoàn EVNNPT muốn gửi gắm tới tất cả người lao động Truyền tải điện./.
Lê Duyên Hải - Công đoàn EVNNPT
*Mời độc giả đón đọc bài viết kỳ 3 với tựa đề “Kỳ 3: Điểm tựa cho người lao động trên công trường mạch 3"