Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương); Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội làng nghề tỉnh; Ban Quản lý Phát triển chè; Ban Tuyên huấn Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã vùng chè trên địa bàn; đại diện một số doanh nghiệp, HTX chè của huyện Phú Lương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Duy Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lương cho biết: Hiện nay, huyện Phú Lương có số lượng làng nghề chè nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên, với 35 làng nghề. Sản phẩm chè của Phú Lương đã có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè địa phương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Cụ thể như: Chỗ đứng của sản phẩm chè chưa thực sự vững chắc. Phần lớn các sản phẩm chè bán ra thị trường vẫn chưa có nhãn mác, xuất xứ, dẫn đến chưa xây dựng được thương hiệu đối với khách hàng. Một số hộ sản xuất chè do chạy theo lợi nhuận đã làm ra những sản phẩm chè không an toàn, gây ảnh hưởng đến thương hiệu chè Phú Lương. Trước những trăn trở đó, UBND huyện đã quyết định phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo này. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành, nhà khoa học, lãnh đạo các HTX để tìm ra những giải pháp đột phá, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tại Hội thảo, các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất chè của các xã: Tức Tranh; Vô Tranh; Phú Đô; Yên Lạc đã được đại diện các Sở, ngành, chuyên gia nông nghiệp truyền đạt nhiều nội dung. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Ứng dụng công nghệ sinh học; Nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm chè Phú Lương; Hoạt động tư vấn, hỗ trợ về đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho các HTX, tổ hợp làng nghề chè để nâng cao chất lượng, giá trị cạnh tranh của sản phẩm chè trên thị trường; Khai thác hiệu quả giá trị của các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ để trở thành sản phẩm thế mạnh của huyện Phú Lương; Bảo tồn và phát huy những giá trị sản phẩm trong các làng nghề tỉnh và kinh nghiệm phát triển thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên.
Đến với Hội thảo, ông Mai Văn Phú – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã trình bày khái quát những nội dung của hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm chè trong những năm qua và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại khiến chè Phú Lương chưa chiếm lĩnh được thị trường. Theo đó, ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động của các làng nghề chè, Trung tâm Khuyến công Tỉnh còn tích cực hỗ trợ các mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong dây chuyền sản xuất để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chè, qua đó, sức cạnh tranh của chè Phú Lương đã được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm chè của Phú Lương sản xuất ra vẫn chưa có nhãn hiệu, mã số, mã vạch, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt và không ghi rõ cơ sở sản xuất trên bao bì nên người tiêu dùng vẫn còn nhiều hoài nghi về chất lượng. Ngoài ra, chè của Phú lương vẫn chủ yếu được tiêu thụ thông qua các chợ truyền thống, chưa thực sự quan tâm đến việc buôn bán qua thị trường thương mại điện tử. Do vậy, để chè Phú Lương phát triển, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất chè tại địa phương cần phải khắc phục những vấn đề tồn tại trên.
Sau khi nghe đại diện các Sở, ngành, chuyên gia nông nghiệp nêu ra những điểm còn bất cập trong việc phát triển sản phẩm và thương hiệu chè, các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện Phú Lương đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ người trồng chè Phú Lương. Trong đó, rất cần sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên về máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất chè; Tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm chè Phú Lương tham gia vào hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối do Bộ Công Thương tổ chức để quảng bá sản phẩm.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu và những kiến nghị của doanh nghiệp, kết luận Hội thảo, ông Hoàng Đức Vỹ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND huyện Phú Lương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển cây chè và đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, Phú Lương cần giữ ổn định diện tích trồng chè, để sản lượng búp chè đạt từ 43 – 44 ngàn tấn/năm; Đổi mới công nghệ trong chế biến chè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; Tiếp tục xây dựng các vùng chè nguyên liệu tập trung tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc; Khuyến khích và tạo điều kiện cho 35 làng nghề chè, xây dựng các khu chế biến với các thiết bị sản xuất đồng bộ, hiện đại; Khuyến khích đóng gói các sản phẩm chè với đầy đủ bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; Xây dựng các làng nghề thành những điểm du lịch làng nghề, hướng tới hình thành các tuyến du lịch sinh thái văn hóa trà. Làm được những điều này, thì trong tương lai không xa, chè Phú Lương sẽ có chỗ đứng trên thị trường.
Anh Tuấn