Thứ Bẩy, 23/11/2024 07:17:22 GMT+7
Lượt xem: 1407

Tin đăng lúc 13-05-2022

Làm thế nào để phát triển CNHT ngành Điện tử?

Sau một năm đại dịch hoành hành gây nhiều khó khăn cho chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới để có thể phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm thế nào để tìm kiếm các giải pháp mở lối phát triển CNHT ngành Điện tử luôn là nỗi trăn trở lớn của các cấp, các ngành.
Làm thế nào để phát triển CNHT ngành Điện tử?
Tốc độ chuyển đổi số của DN CNHT Việt Nam còn chậm

Sau đại dịch Covid-19, CNHT ngành Điện tử Việt Nam đứng trước những bài toán mới, đó là làm sao để phục hồi được ngành hàng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thị trường thế giới dần mở cửa trở lại. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), các DN ngành Điện tử đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 nên buộc phải đổi mới sáng tạo.

 

Bà Hương nhấn mạnh: “Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế. Tài nguyên thiên nhiên sẵn có cũng không còn là lợi thế nữa, do vậy đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi thực sự để có thể duy trì lợi thế là nơi có lực lượng lao động tay nghề cao, với mức lương xứng đáng, chứ không phải xếp cuối ở khu vực và vùng lãnh thổ châu Á trong nôi sản xuất điện tử như hiện nay”.

 

Thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Nhiều DN gặp khó khăn tìm kiếm nguồn cung linh kiện từ các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều DN sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ở các mức độ khác nhau.

 

Chuyển đổi số cũng là một thách thức lớn khác. Tốc độ chuyển đổi số ở DN Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Số lượng DN sẵn sàng đầu tư cho số hóa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng DN cả nước. Bà Phạm Liên Anh - Chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: “Có tới 51% DN Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, nhưng số áp dụng công nghệ số cho bán hàng online chỉ chiếm 1%”.

 

Trong khi đó, các DN đầu chuỗi đa quốc gia trong lĩnh vực điện - điện tử đều có bộ phận công nghệ thông tin chuyên trách xây dựng nền tảng số, cho phép họ kết nối, xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu quản lý và đánh giá nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu. DN Việt Nam bị bất lợi hơn so với DN các nước khác vì trình độ số hóa chưa cao.

 

 

CNHT ngành Điện tử của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch

 

Một khó khăn khác đối với DN trong nước là vòng đời của sản phẩm điện tử, điện thoại rất ngắn, chỉ khoảng 2-3 năm. Bởi thế DN nhỏ trong nước gặp khó khăn về vốn để đầu tư dây chuyền, công nghệ liên tục nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng.

 

Để “gỡ khó” cho DN trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử của các tập đoàn lớn, rất cần các chính sách hỗ trợ DN về vốn và những ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất…

 

Để chủ động phát triển nhanh, bền vững cho CNHT ngành Điện tử, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa điện tử có xuất xứ Việt Nam, nhằm tạo điều kiện để các thương hiệu điện tử trong nước xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng, hướng tới các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Ngoài ra, cần hỗ trợ một số DN triển vọng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN nội địa đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

 

Việt Nam cũng cần kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ DN, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, ưu tiên vào những lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, bền vững, có sức lan tỏa, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cho DN. Điều quan trọng, cần thu hút FDI có chọn lọc. Tập trung, ưu tiên vào thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, chứa đựng nhiều tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các chính sách cần chặn dòng vốn đầu tư và công nghệ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường kỹ thuật số và nền kinh tế số.

 

Nhiều chuyên gia trong ngành Điện tử cũng đề xuất Chính phủ tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy DN Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn. Trong đó, những dạng hỗ trợ như chuyển đổi số, ưu đãi startup, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sáng tạo… cần được tăng cường và hài hòa hơn.

 

Có thể nói, số hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển CNHT, nên cần đẩy mạnh quá trình số hóa cho DN. Chuyển đổi số nên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, khoảng cách còn lớn như chức năng, nghiệp vụ sản xuất; quản lý chất lượng. Những giải pháp khác phải kể đến là: Phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số; hợp tác với các DN đầu chuỗi trong hỗ trợ DN cung ứng chuyển đổi số; phổ biến các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ để DN tiếp cận được rộng rãi hơn.

 

Phương Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang