Thứ Năm, 21/11/2024 19:28:12 GMT+7
Lượt xem: 7275

Tin đăng lúc 08-06-2014

Làng nghề ở Thanh Hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế

Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa, nhiều làng nghề thủ công tại Thanh Hóa được khôi phục và phát triển mạnh mẽ cả về làng nghề, số lượng, quy mô cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủng loại, mẫu mã sản phẩm… đời sống người dân làng nghề từng bước được cải thiện bằng chính nghề truyền thống của mình.
Làng nghề ở Thanh Hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế

Giới thiệu sản phẩm mới

 

Khởi sắc làng nghề

 

Từ khi thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế đến nay, nhất là sau khi Chính phủ có Quyết định 132/2000/QĐ-TTg, Nghị định 66/2006/NĐ-CP về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều nghề thủ công tại Thanh Hóa được khôi phục và phát triển mạnh mẽ cả về làng nghề, số lượng, quy mô cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủng loại, mẫu mã sản phẩm... Bằng bàn tay khéo léo, tài hòa và khối óc sáng tạo của mình các nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, đậm nét cuộc sống, văn hóa địa phương mà không nơi nào có được như: Chiếu cói Nga Sơn; chạm khắc đá mỹ nghệ làng Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa); nghề rèn Tất Tác (Tiến Lộc, Hậu Lộc); nghề đúc đồng Chè Đông (Thiệu Trung, Thiệu Hóa); nước mắm Ba Làng (Hải Thanh, Tĩnh Gia)... Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đã góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH, làm thay đổi diện mạo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

 

Đến với nghề chiếu cói Nga Sơn, giờ đây người dân Nga Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói mà nhiều sản phẩm từ cói đã được đôi bàn tay tài hoa “tô son điểm phấn”, trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét họa tiết, văn hoa khác nhau dành cho xuất khẩu. Những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí,... đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mắm tôm Hậu Lộc đã được cấp giấy phép xuất khẩu, đăng ký nhãn mác, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất hàng nghìn tấn mắm tôm, cung cấp cho các địa phương trong cả nước và xuất sang Nga, Pháp, Cộng hòa Séc... Rồi nghề đá mỹ nghệ ở Đông Sơn, nghề mộc Đạt Tài, nghề rèn Tiến Lộc... được cả tỉnh, cả nước biết đến.

 

Vươn vai cùng đất nước

 

Hiện tại, Thanh Hóa có gần 500 làng có nghề, trong đó có khoảng 184 làng có nghề đã được công nhận. So với các địa phương khác trong cả nước, làng nghề truyền thống của Thanh Hóa nhiều về số lượng, nhưng chưa mạnh về thương hiệu, quy mô nhỏ, phân tán. Trãi qua những thăng trầm của lịch sử khiến nhiều làng nghề ở Thanh Hóa không thể trụ vững và có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Kinh tế làng nghề ở Thanh Hóa vẫn mang nét cục bộ, được duy trì thông qua việc nối truyền của các thế hệ, dựa trên đuc rút kinh nghiệm là chủ yếu. Bên cạnh đó, sản phẩm làng nghề chưa thể vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

 

Để các làng nghề truyền thống có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, thể hiện đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của nghệ nhân tiếp tục phát triển và đem lại giá trị kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu là vấn đề cấp bách. Hiện tại, các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khôi phục lại một số nghề truyền thống theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển các làng nghề, nhất là đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ; đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường giải quyết tốt đầu vào (nguồn nguyên liệu), đầu ra của sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi trong và ngoài nước... Đặc biệt, phát triển làng nghề gắn với mục tiêu phát triển du lịch, tạo thành những tour, tuyến du lịch làng nghề, tạo ra những giá trị dịch vụ cơ bản để nâng cao thu nhập của người dân.

 

Chính sách hội nhập và phát triển kinh tế về thương mại và dịch vụ của Nhà nước đang mở ra cơ hội cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh hơn, giải quyết việc làm, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ổn định. Các sản phẩm làng nghề của Thanh Hóa đang từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong cả nước và quốc tế.

Văn Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang