Chủ Nhật, 24/11/2024 09:47:12 GMT+7
Lượt xem: 1230

Tin đăng lúc 19-07-2020

Làng nghề truyền thống Quảng Nam tìm cơ hội phát triển

Quảng Nam hiện có hơn 60 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống. Để duy trì được các làng nghề này, ngoài việc cố gắng giữ nét độc đáo truyền thống của làng nghề mình, người dân và chính quyền địa phương còn phải luôn tạo ra những sản phẩm mới mẻ, dịch vụ đa dạng để có thể thu hút được du khách, phát triển sản phẩm làng nghề đi đôi với sản phẩm du lịch.
Làng nghề truyền thống Quảng Nam tìm cơ hội phát triển
Bà Lê Thị Lợi tâm huyết với nghề chế biến nước mắm ở làng nghề Cửa Khe

Tại xã Đại Minh (Đại Lộc), làng trống Lâm Yên nổi tiếng một thời nay vẫn duy trì nhưng hoạt động nhỏ lẻ vì ít đơn hàng. Với bàn tay khéo léo, sáng tạo của mình, thợ mộc làng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đã góp phần tạo nên phố cổ Hội An cổ kính đầy quyến rũ. Làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) nức tiếng gần xa nhờ sản phẩm thơm ngon nổi tiếng. Bà Lê Thị Lợi - Chủ cơ sở chế biến nước mắm ở đây cho biết: Lợi thế là kinh nghiệm chế biến nước mắm được giữ gìn, truyền đời. Tuy nhiên, điểm yếu là khả năng quản trị, quản lý sản xuất còn chưa đáp ứng được trong xu thế cạnh tranh gay gắt. Bởi vậy, sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh.

 

Để các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh có ghi danh rõ nét trên bản đồ thị trường, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực. Đơn vị đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh hàng năm, đã lựa chọn được 20 sản phẩm đạt giải và tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cấp quốc gia; 5 sản phẩm đạt giải cấp khu vực, 01 đạt giải cấp quốc gia. Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được nhìn nhận sẽ là mặt hàng được ưa chuộng trong tương lai, khi đảm bảo hầu hết tiêu chí về một sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

 

Là một trong ba cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, bà Huỳnh Thị Thu Thủy - Chủ cơ sở bánh chưng Bà Ba Hội chia sẻ: “Cơ sở đã được Trung tâm Khuyến công Tỉnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm, nên dù mới thành lập chưa được 01 năm nhưng sản phẩm đã đến được 57 tỉnh, thành phố trong cả nước và hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có đại lý tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở đạt doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu mẫu mã, nâng cao chất lượng và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, ví dụ như "bánh chưng nếp cẩm" được thị trường trong nước tiếp nhận rất tích cực”.

 

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cần nỗ lực hơn nữa trong mọi hoạt động. Đặc biệt, các hộ sản xuất cần chủ động tìm hướng đi mới để thích ứng với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khi hội nhập ngày càng mở rộng. Quan trọng là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đó là nền tảng phát triển, giúp các làng nghề phát triển bền vững và tăng thu nhập cho người dân. Sở sẵn sàng phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các làng nghề nắm bắt được các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển.

 

Ngọc Bích


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang