Xác định được điều đó, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lạng Sơn (Trung tâm) đã chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, Trung tâm chỉ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức như: Cập nhật thông tin về hoạt động khuyến công trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền qua chuyên mục Công nghiệp và Thương mại Xứ Lạng… Từ năm 2022 đến nay, cùng với việc duy trì các hình thức trên, Trung tâm đã triển khai thêm một số hình thức mới, cụ thể như: Phối hợp với Tỉnh đoàn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về hoạt động khuyến công; phát hành 600 bộ tài liệu về chính sách khuyến công cho các đối tượng là các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Để chính sách khuyến công được phổ biến sâu rộng đến đúng đối tượng, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị truyên truyền nhằm giải đáp trực tiếp những vướng mắc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với bộ phận “một cửa” của các sở, ban, ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư… phát tài liệu về chính sách khuyến công cho các đơn vị doanh nghiệp đến làm việc.
Chị Hoàng Thị Ngọc Mai, Chủ cơ sở sản xuất, phân phối nước đá sạch tại khu 7, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2022, nhờ được tham gia lớp tập huấn tuyên truyền về chính sách khuyến công nên chị đã có cơ hội được trao đổi và giải đáp những thắc mắc trong thủ tục để nhận hỗ trợ từ kinh phí khuyến công. Năm 2023, chị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, chị sẽ sử dụng nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nước đá sạch, nước lọc tinh khiết.
Để hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả cao, Trung tâm chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền. Ông Đặng Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Thời gian qua, Trung tâm luôn nêu cao tinh thần tự giác, khuyến khích cán bộ, công chức tại các phòng, ban chuyên môn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tích cực cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về chính sách khuyến công, nâng cao năng lực quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất trong cơ sở công nghiệp nông thôn do Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức.
Với việc đa dạng hóa hình thức và chú trọng vào nội dung, hoạt động tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp nông thôn và chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Trong năm 2022, nhờ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp cận về chính sách khuyến công. Từ năm 2018 đến năm 2022, trung bình mỗi năm có khoảng 30 cơ sở được hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục đăng ký hỗ trợ nguồn vốn khuyến công. Qua quá trình khảo sát, phê duyệt, hằng năm, có từ 6 - 8 cơ sở được tiếp cận nguồn vốn khuyến công để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ dàng nắm bắt thông tin và chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Để tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, cuối năm 2022, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch để tham mưu với Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt đề án khuyến công năm 2023, trong đó, có nội dung về tuyên truyền chính sách khuyến công. Theo đó, trong năm 2023, Trung tâm sẽ tổ chức thêm 5 hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách khuyên công; phát hành 1.000 cuốn cẩm nang và 250 cuốn sổ tay công tác khuyến công cho các đối tượng là doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Thanh Trà