Thứ Bẩy, 23/11/2024 21:37:39 GMT+7
Lượt xem: 2334

Tin đăng lúc 27-08-2019

“Made in Vietnam” – hiểu sao cho đúng?

Với người tiêu dùng, hiểu đơn giản “Made in Vietnam” chính là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế tại nước ta hiện nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc ghi xuất xứ đối với hàng bán tại thị trường nội địa như: Điều kiện gì thì mới được ghi là xuất xứ từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hay sản phẩm Việt Nam…
“Made in Vietnam” – hiểu sao cho đúng?
Điện thoại Vsmart - một sản phẩm Made in Vietnam

“Made in” của các quốc gia trên thế giới

 

Nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ, hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ, quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ; quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len; quy định của New Zealand đối với rượu vang... Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

 

Tại châu Âu thì quy định bắt buộc tất cả đều phải ghi rõ xuất xứ, từ các loại thực phẩm như quả cam, quả táo cho đến những mớ rau.... Với những sản phẩm có linh kiện từ nhiều nước khác nhau thì được phép in dòng chữ “Made in” tại quốc gia đóng nửa giá trị tính theo giá bán của sản phẩm. Ví dụ, một chiếc áo khoác may ở Trung Quốc được nhập khẩu vào Pháp và đính một chiếc khuy trên đất Pháp thì không được gắn nhãn “Made in France”, thế nhưng nếu DN của một nước bất kỳ mua vải của Trung Quốc, mang sang Pháp thuê nhân công sản xuất chiếc áo đó thì có thể được gắn mác “Made in France” nếu như tiền mua vải chưa tới 1/2 giá bán chiếc áo đó.

 

Quy định về “Made in” không chỉ chặt chẽ tại châu Âu, tại Mỹ yêu cầu về gắn mác xuất xứ cũng khá tương đồng. Theo website chính thức của Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), về cơ bản, một sản phẩm muốn được chứng nhận là “Made in USA” thì hầu như tất cả các chi tiết và công đoạn chế tạo của sản phẩm phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong nguồn gốc sản phẩm chỉ bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể.

 

 

Hiểu thế nào là “Made in Vietnam”?

 

Hiện nay, với những sản phẩm tiêu dùng trong nước đang có Nghị định 43/2017 quy định về ghi nhãn hàng hóa. Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân phải ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, Nghị định cho phép các tổ chức, cá nhân được tự ghi và tự chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn xuất xứ trên cơ sở hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là họ trung thực. Thế nhưng, cần lưu ý bởi điều này chỉ quy định đối với hàng nội địa bán tại Việt Nam, còn hàng xuất khẩu lại là câu chuyện khác. 

 

Một minh chứng cụ thể như việc nếu nhập bất kì một sản phẩm nguyên chiếc như các thiết bị điện tử, điện lạnh… từ Trung Quốc rồi dán nhãn “Made in Vietnam” thì sẽ bị coi là gian lận xuất xứ. Ở chiều ngược lại, khi nhập nguyên liệu, linh kiện về và lắp ráp tại Việt Nam, sản phẩm đó muốn được dán nhãn “Made in Vietnam” phải thỏa mãn điều kiện chiếm tỷ lệ nội địa bao nhiêu là hàng Việt thì lại chưa được quy định cụ thể và doanh nghiệp có thể được tự ý ghi thêm. Vì vậy, mới có chuyện dù hàng ghi “Made in Vietnam” nhưng lại là hàng Việt theo tiêu chuẩn châu Âu; hàng đẳng cấp Ý; hay công nghệ Đức, Nhật...

 

Trước việc những quy định hàng hóa như thế nào thì được gắn mác“Made in Vietnam” chưa được rõ ràng, ngày 01/8, Bộ Công Thương đã hoàn thành Dự thảo "Made in Vietnam" ban đầu dưới hình thức Thông tư và được đăng tải để lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư "Made in Vietnam" được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, dự thảo Thông tư đưa ra cách xác định hàng hoá được coi là có xuất xứ Việt Nam khi tỷ lệ nội địa hóa hay trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó và phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

 

Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, con số 30% hàm lượng giá trị gia tăng chưa thực sự hợp lý cho tất cả mặt hàng, trong khi hàng hóa ASEAN phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ. Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

 

Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 01 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

 

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Công ty. Cùng với đó hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi tính chất của hàng hóa.

 

Thông tư do Bộ Công Thương ban hành áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Do vậy không được phép ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài như “Made in Vietnam” hoặc “Product of Vietnam”.

 

Khi tiến hành một cuộc khảo sát, nhiều người tiêu dùng cho biết, xuất xứ không phải là thứ duy nhất họ quan tâm. Bên cạnh giá cả, chất lượng thì có một thứ họ quan tâm đó là thương hiệu. Ví dụ, với một sản phẩm như Apple thì phần lớn người tiêu dùng sẽ không quan tâm nó được lắp ở đâu và mặc định nó là hàng Mỹ. Bởi thực tế, thương hiệu Apple chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn sản phẩm của họ, còn với những sản phẩm chưa có thương hiệu thì phần lớn họ lại quan tâm đến xuất xứ của nó.

 

Thực tế, tại Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu kiểu Apple nên người tiêu dùng vẫn quan tâm nhiều đến xuất xứ. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã làm giả xuất xứ.

 

Với Thông tư mà Bộ Công Thương vừa ban hành thì các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, "đội lốt" hàng Việt Nam như đã xảy ra rải rác trong thời gian qua.

 

Trước thực tế hiện nay, người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để nhận diện hàng “Made in Vietnam”, họ phải lựa chọn dùng những sản phẩm theo kinh nghiệm và niềm tin, tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng. Vì vậy, việc ban hành quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là rất cần thiết, đó là cách để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân.

 

Phạm Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang