Những con số về Marketing Online ở Việt Nam trong quá khứ
Dựa vào những biến động kinh tế, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015, các chuyên gia thế giới nhận định nước ta đang là một thị trường trực tuyến béo bở. Các doanh nghiệp sẽ coi đây là địa chỉ khai thác nhiều tiềm năng, đặc biệt là Digital Marketing Agency.
Giới quan sát cũng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung sử dụng Digital Marketing với hai mục đích: quảng bá và xây dựng thương hiệu, nâng cao doanh số và mở rộng thị phần thông qua e-commerce. Và đây trở thành một thị trường hấp dẫn cho mọi lĩnh vực kinh doanh B2B và B2C.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chi nhánh Tp.HCM cho biết: “Trong giai đoạn 2013-2015, theo thông tin nghiên cứu từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam, kinh doanh trực tuyến vẫn phát triển mạnh, duy trì mức độ tăng trưởng 100-150% nhờ ứng dụng tốt các nền tảng công nghệ hiện đại và quảng cáo trực tuyến.
Hay như theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt nam 2013 của VECOM: “Năm 2013 là năm chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của các loại hình giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Mức độ và hiệu quả sử dụng email của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng email để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%”.
Tính đến hết quý I năm 2016, thị trường marketing trực tuyến tại Việt Nam ngày càng mở rộng.
Đây sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào muốn chiếm lĩnh thị phần. Như vậy doanh nghiệp đó phải am hiểu kiến thức về Marketing Online (MO) và nắm bắt được xu hướng phát triển trong lĩnh vực Digital Marketing.
Thành công nhờ Marketing Online: Khó nhưng vẫn có
Khi người người, nhà nhà cùng tham gia thị trường thương mại điện tử, sự cạnh tranh gay gắt là không thể tránh khỏi. Năm 2015 vừa qua là năm bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và không thể không kể đến những doanh nghiệp thất bại khi còn trong trứng nước. Tuy nhiên, không thể không kể đến những doanh nghiệp đã thành công, đạt siêu lợi nhuận, mở rộng thị phần nhờ MO. Anh Kiều Văn Tiến, quản lý truyền thông của nhà hàng bia tươi Đức Eresson Beer tại số 9, Phạm Hùng, Hà Nội và Hãng rượu bia Eresson là một ví dụ điển hình. Đây có thể là một tấm gương lớn về kinh doanh dựa trên MO cho những doanh nghiệp khác hay người muốn theo đuổi con đường này noi theo.
Anh Tiến (ngồi giữa) cùng bạn bè.
Hiện tại, ở Hà Nội, những người cùng sử dụng MO để xây dựng thương hiệu và mở rộng thị phần đều tập hợp thành các nhóm để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Anh Tiến cũng là một Quản trị viên của một nhóm gồm nhiều admins của các group rất lớn hiện nay về MO. “Nhờ MO nói chung và Facebook nói riêng, cửa hàng đã tăng 40% lợi nhuận và mở rộng nhiều chi nhánh bia rượu ở khắp các tỉnh thành”, anh chia sẻ.
Anh cũng cho biết, để đạt được thành tựu này, anh đã phải trải qua khá nhiều thất bại. Trong đó, thất bại “đắt đỏ” nhất mà anh từng phải “nếm trải” đó chính là khi anh mới bước vào con đường tiếp thị trực tuyến cách đây vài năm. “Tôi nhờ cậu em hướng dẫn chạy facebook ads rồi thực hành luôn. Do nhìn nhầm giữa VND và USD, tôi chọn mức giá 4 đồng để rồi sau một đêm, thẻ Visa của tôi biến mất hơn 11 triệu đồng. Đó là bài học mà tôi nhớ nhất”, quản lý của cửa hàng bia Đức chia sẻ.
Rồi sau đó, anh còn gặp những khó khăn khác như tìm kiếm dữ liệu khách hàng sao cho thật nhiều và thật chất lượng, viết nội dung quảng bá sản phẩm của cửa hàng sao cho thật hấp dẫn mà lại không quá “lố” với người tiêu dùng. Ngoài ra, khi thị trường này càng cạnh tranh gay gắt, nhiều người bắt đầu sử dụng những chiêu trò, thủ thuật khiến những đơn vị quảng cáo lớn: Google, Facebook hay Youtube tăng chi phí cao cho người Việt Nam. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh minh bạch và phát triển bền vững.
Nhờ Marketing Online, lợi nhuận của nhiều công ty có thể tăng đến 40%
Nhưng chính nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong nhóm MO và sự nỗ lực của bản thân, anh đã học từ những điều nhỏ nhất về tiếp thị trực tuyến rồi chuyển dần tập trung sang mảng mạng xã hội. Chính nhờ tiếp thị trực tuyến trên mạng xã hội, anh đã xây dựng và phát triển thương hiệu của cửa hàng, giúp công ty tiếp cận được nhiều khách hàng. Từ đó, anh mang về con số 40% tăng trưởng và nhiều thành tựu khác.
Hiện tại, anh đang áp dụng những kiến thức, nền tảng về MO mà anh đã có để phát triển hơn nữa các doanh nghiệp khác của mình. Mặc dù quá trình này đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức nhưng “nếu làm ăn chân chính, chúng ta sẽ phát triển chân chính”.
Như vậy, thông qua những cơ hội mà MO mang lại, những cá nhân, doanh nghiệp muốn quảng bá và xây dựng thương hiệu, nâng cao doanh số và mở rộng thị phần thông qua e-commerce cần phải có chiến lược rõ ràng, không sợ thất bại và quan trọng nhất, phải kinh doanh minh bạch. Mặc dù sự thành công của MO không bao giờ có tỷ lệ là 100% nhưng với xu thế hiện nay, tiếp thị trực tuyến là con đường đúng đắn nhất cho doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.
Theo Thư Nguyệt/báo người tiêu dùng