Sau hơn hai tháng từ lần gặp ấy, tôi có dịp trở lại Đông Hưng, Thái Bình và ghé qua Công ty TNHH Phát triển công nghệ sinh học Môi trường Xanh, ông Ngô Duy Đông – Giám đốc tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, bài trí đơn sơ, mộc mạc. Điều dễ cảm nhận ở ông là tác phong nhanh nhẹn, giản dị, cởi mở, thân thiện, vì thế mà câu chuyện giữa chúng tôi với ông trở nên gần gũi, hòa đồng hơn. Ông kể cuộc đời ông có nhiều bước ngoặt, từ việc học hành đến thành lập doanh nghiệp, từ lúc khởi sự đến khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đều để lại những dấu ấn khó quên. Bản thân ông cũng không hiểu vì sao mình lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực môi trường.
Bước ngoặt quan trọng chính là năm 2006, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT quyết định lần đầu tiên giao nhiệm vụ cho Công ty triển khai đề án xử lý môi trường, trong đó sản xuất bể khí Biogas bằng vật liệu nhựa để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Năm 2008, công nghệ xử lý môi trường bằng bể khí Biogas nhựa đã được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước và hiện tại ở nhiều vùng nông thôn vẫn đang ứng dụng rộng rãi hầm Biogas để xử lý môi trường và lấy khí phục vụ sinh hoạt. Đáng chú ý là, năm 2013, nhận thấy mô hình xử lý khí thải từ hầm Biogas mà Công ty TNHH Phát triển công nghệ sinh học Môi trường Xanh đi tiên phong, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã dành một khoản kinh phí không nhỏ cho dự án hỗ trợ người dân nông thôn trên phạm vi cả nước lắp đặt bể khí Biogas, giúp giảm giá thành một sản phẩm từ 13 triệu đồng, xuống còn 8 triệu đồng. Giám đốc Ngô Duy Đông tỏ ra rất tâm đắc bởi dự án nước sạch và bể khí Biogas đã giúp cho bà con các dân tộc xã miền núi như xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên không chỉ tiết kiệm số tiền không nhỏ mỗi tháng, mà còn nâng đàn gia súc để tận dụng chất thải chăn nuôi cung cấp cho vận hành bếp gas sinh học phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Sản phẩm bể khí sinh học Biogas hiện vẫn đang được lắp đặt rộng rãi tại Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước…
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà xưởng, Giám đốc Ngô Duy Đông bật mí, sau năm 2015, thị trường trong nước về sản phẩm bể khí Biogas có xu hướng bão hòa và cũng xuất hiện một số doanh nghiệp đã từng liên kết với Công ty, hoặc manh nha sản xuất mặt hàng này nên ông chuyển một phần kế hoạch sang sản xuất tấm nhựa pallet, thùng rác – Những mặt hàng có tính ưu việt vượt trội mà hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam và các nước châu Âu đang có nhu cầu rất lớn.
Dường như đoán được ý định tìm hiểu của khách về quy mô dây chuyền sản xuất, ông Đông khoát tay chỉ cho chúng tôi xem toàn bộ khu vực nhà máy và giải thích, diện tích mặt bằng tuy không lớn, nhưng đủ để sản xuất đáp ứng các đơn đặt hàng mà thị trường có nhu cầu. Với quy trình sản xuất tự động hóa, khép kín 100% từ nguyên liệu đến thành phẩm, đây là quy trình công nghệ hiện đại so với các quy trình sản xuất pallet nhựa tại Việt Nam hiện nay. Các sản phẩm pallet nhựa có tác dụng lưu trữ và xử lý hàng hóa một cách an toàn, ổn định. Việc xếp đỡ, xử lý, vận chuyển hàng hóa bằng pallet nhựa giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí, đặc biệt là hạn chế được rủi ro.
Giám đốc Ngô Duy Đông giới thiệu với chúng tôi, sở dĩ quy trình sản xuất pallet nhựa của Công ty có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm pallet gỗ bởi những ưu điểm như: Phương pháp sản xuất với mức độ tự động cao, cần ít công nhân vận hành, hoạt động tin cậy, ổn định. Khâu kiểm tra chất lượng được cải thiện và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, pallet nhựa sản xuất ra có bề mặt đẹp, chắc chắn nên độ bền lớn, chịu được va đập mạnh, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường ẩm, axit hóa chất hay nước, không dẫn điện, không bị tấn công bởi mối mọt. Hệ thống máy móc gọn gàng, chiếm ít mặt bằng và dễ vận hành nhờ các hệ thống điều khiển tự động. Đặc biệt là tiếng ồn và hệ thống nước tuần hoàn được xử lý ngay trong hệ thống máy nên tránh được ô nhiễm môi trường. Ông Đông cũng cho biết, sắp tới, Công ty sẽ đầu tư khoảng hơn 30 tỷ đồng để lắp đặt thêm một máy sản xuất tấm pallet và thùng rác.
Trong phòng ươm lan giống
Tôi hỏi Ngô Duy Đông: Cơn bão Covid-19 lan rộng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao có làm “lung lay” ý chí của CBCNV ở đây hay không? Ông bảo, năm 2016-2017, khi có dịch cúm gà, lợn, người dân dừng chăn nuôi, khiến sản xuất mặt hàng bể khí Biogas của Công ty bị đình trệ hàng năm trời, nhưng Công ty vẫn duy trì và ổn định tiền lương, thu nhập cho người lao động, không có ai phải chuyển công tác, hay nghỉ việc. Còn hiện tại, khi Công ty chuyển hướng sản xuất pallet và thùng rác thải thì CBCNV không thiếu việc làm, thu nhập vẫn duy trì mức bình quân trên 6 triệu đồng, cán bộ kỹ thuật từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập khá so với mặt bằng xã hội, công việc lại không nặng nhọc, được đảm bảo các chế độ theo quy định, nên CBCNV-LĐ đều yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình.
Tập trung sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, lo cơm áo gạo tiền cho gần 100 con người, nhưng Giám đốc Ngô Duy Đông lại có thú chơi lan và ông cho rằng, đây cũng là cách để tạo cân bằng, giảm bớt áp lực cuộc sống. Ông dẫn chúng tôi lên khu tầng ươm lan giống với rất nhiều loại lan quý hiếm được ông chăm sóc cẩn trọng đang bắt đầu nhú mầm, lên lá. Ông chia sẻ, nói là sở thích, đam mê, nhưng trồng lan còn tạo ra nguồn thu đáng kể, bởi ông biết nhiều người không tiếc tiền để có những chậu lan đẹp với giá bạc tỷ. Bảo sao, trên khu vực tầng thượng của dãy nhà cao tầng, ông đã rất chu đáo lợp kính lấy ánh sáng trời, mùa rét lắp đèn Halogen và điều hòa nhiệt độ để sưởi ấm cho cây. Có lẽ một phần cũng là vì cái duyên của vị doanh nhân này với lĩnh vực môi trường, với thú vui nghệ thuật, bởi hoa cũng làm cho tâm hồn người ta thư thái, an nhiên hơn sau những lo toan của cuộc sống thường nhật.
Một giờ với doanh nhân Ngô Duy Đông, câu chuyện giữa chúng tôi còn tưởng như chẳng thể dứt, vì đề cập đến nhiều lĩnh vực, về kế hoạch sản xuất cho năm mới và những chặng đường tiếp theo; về chiến lược phát triển thị trường trong nước với nước ngoài; rồi cả dự định tương lai của đội ngũ lãnh đạo kế cận, quản lý doanh nghiệp và ông cũng không quên nhấn mạnh đến tiềm năng thế mạnh của giống lan mà ông hằng ấp ủ, ươm trồng từ nhiều năm qua… Nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay, trong suy nghĩ của mình, tôi tin ông, hy vọng vào cái cách mà ông đã làm trong 11 năm qua, vì người dân nông thôn, vì doanh nghiệp bền vững, hài hòa như chính con người ông vậy./.
Mai Hương