Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:05:12 GMT+7
Lượt xem: 3024

Tin đăng lúc 09-04-2017

Mường Tè: Sức sống mới đang bừng lên trên vùng biên cương

Mường Tè là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Do điều kiện địa hình chia cắt bởi núi cao, vực thẳm, sông sâu, giao thông đi lại khó khăn, nhất là những bản vùng sâu, vùng xa… Điều đó đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KT-XH của huyện. Song được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh Lai Châu, sự lãnh đạo điều hành, sáng tạo, sát hợp với thực tế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, nên các mục tiêu KT-XH, an ninh quốc phòng, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hộ
Mường Tè: Sức sống mới đang bừng lên trên vùng biên cương
huyện Mường Tè thí điểm mô hình thâm canh lúa

Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế đa dạng nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thương mại, thuỷ điện, vật liệu xây dựng và khoáng sản…, nhưng kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn đóng vai trò chủ đạo và mang tính quyết định đến sự ổn định đời sống của nhân dân. Trên địa bàn huyện, hiện có tổng diện tích cây lúa 3.127,6 ha, đạt 104,3% kế hoạch, năng suất 38,3 tạ/ha, đạt 102% KH, sản lượng 11.982,8 tấn, đạt 106,4% KH. Tổng sản lượng lương thực có hạt 17.243,3 tấn, đạt 110,4% KH.

 

Trong năm qua, huyện đã chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình khuyến nông như các mô hình: Tăng vụ lúa đông xuân diện tích 8,0 ha tại xã Mù Cả; Trồng chuối tại các xã Mường Tè, Ka Lăng, Mù Cả với diện tích 11 ha (số hộ tham gia: 74 hộ); Trồng mía tại xã Mường Tè với diện tích 01 ha (số hộ tham gia: 20 hộ); Chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo tại xã Vàng San (gồm 48 con bò giống, kinh phí 01 tỷ đồng); Cánh đồng lúa tập trung sử dụng một giống lúa diện tích 240 ha (xã Mường Tè 150 ha, Bum Nưa 50 ha, Vàng San 40 ha), nhằm hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá, chất lượng, dần thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình đầu tư thâm canh, tăng năng suất.

 

Từ nhận thức muốn phát triển KT-XH, việc đầu tiên là ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đó là những điều mà lãnh đạo huyện rất băn khoăn, trăn trở. Trong những năm qua, huyện đã rất chú trọng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ nông dân. Căn cứ vào thực tiễn về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất, huyện đã có chính sách thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm có lợi thế, phù hợp với điều kiện tiểu vùng sinh thái, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào như: Thảo quả, sa nhân, tam thất… Đồng thời, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế vùng tại các xã ven lòng hồ thuỷ điện Lai Châu, tập trung trồng mới nhiều vùng cao su, vùng trồng quế và trồng khoai sọ để ổn định đời sống cho nhân dân vùng tái định cư. Khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thuỷ điện Lai Châu tại các xã Can Hồ, Mường Tè… với các loài cá có giá trị cao như cá lăng, cá chiên… Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có trên 100 lồng nuôi cá với diện tích 6000 m2, sản lượng đạt trên 25 tấn/năm. Lĩnh vực lâm nghiệp đang là nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Diện tích đất có rừng của huyện là hơn 166 nghìn ha, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64,8%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng phương án khoán bảo vệ và khoanh nuôi rừng tái sinh cho các bản, các khu phố theo diện tích trên thực địa, phù hợp với địa bàn và tập quán của vùng miền, người dân được tổ chức trồng, khai thác lâm sản ngoài gỗ, được hưởng lợi từ các chính sách khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng theo quy định. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển rừng với an ninh quốc phòng và khu vực biên giới.

 

Cùng với phát triển KT-XH, công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho nhân dân được lãnh đạo huyện thường xuyên quan tâm. Trong năm qua, huyện đã tổ chức thực hiện 20 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 810 người, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao và Nghị quyết HĐND huyện, giới thiệu 7 người vào làm việc dài hạn trong doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

 

Chính sách đối với người có công được huyện quan tâm đầy đủ, kịp thời, công tác cứu trợ thường xuyên và đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm làm tốt. Huyện đã thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ tặng 3.500 suất quà, kinh phí 1.700 triệu đồng cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo nhân dịp lễ, tết. Chi trả trợ cấp hàng tháng cho 1.332 đối tượng, hỗ trợ làm nhà cho 3 hộ thuộc đối tượng người có công từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh tỉnh Lai Châu. Hỗ trợ làm 75 nhà ở cho hộ nghèo theo đề án 3 dân tộc, đã giải ngân 1.125 tỷ đồng, đạt 81,66% KH, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo các bản biên giới cho 1.326 hộ, số khẩu 6.593 khẩu, với 296.685 kg gạo, đã giải ngân 5.002 tỷ đồng, đạt 95,08% KH.

 

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại được Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, bởi Mường Tè là huyện biên giới với 130,92 km đường biên, giáp với Trung Quốc và Lào. Vì vậy, công tác an ninh, quốc phòng có vị trí rất quan trọng. Huyện đã thường xuyên củng cố và giữ vững, duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Tổ chức diễn tập, ứng phó cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 đạt loại giỏi, diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2016 đạt loại giỏi, diễn tập PCLB - TKCN đạt loại khá… đảm bảo an toàn, chất lượng.

 

Với quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, trong năm qua, huyện đã triển khai thực hiện có kết quả các giải pháp phát triển KT-XH và giải pháp hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội nên kinh tế của huyện tăng trưởng ở mức khá so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người dần được nâng lên, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND huyện.

 

Đạt được thành quả đáng trân trọng đó là do Đảng bộ, chính quyền Mường Tè đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, cùng chung tay ra sức thi đua lao động sản xuất, giành nhiều năng suất, kết quả cao, sự lãnh đạo sáng tạo, khoa học và phương pháp điều hành sâu sát, năng động, nhạy bén của chính quyền các cấp, luôn gần dân, sát dân, hiểu dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho dân, đưa ra những giải pháp hiệu quả, thiết thực, được dân tin, dân làm theo. Đó là điều quan trọng nhất đem đến thành công, như luồng sinh khí mới thổi bùng lên sức sống mới cho mỗi gia đình, mỗi người dân trên vùng biên cương giá lạnh, nhưng ấm áp và chan chứa tình người. Tin rằng với phương pháp đó, Mường Tè sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trong những năm tiếp theo./.

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang