Mục tiêu của chương trình để khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước. Chương trình cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục, phổ bến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, là nguồn động lực phát triển, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Đây cũng là dịp để nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Nhằm thống nhất chủ đề cho các hoạt động liên quan, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 là "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng". Theo đó, nội dung chính của kế hoạch bao gồm các hoạt động tuyên truyền từ Trung ương và địa phương:
Các hoạt động tại Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, tổ chức liên quan. Khởi đầu cho các hoạt động do Trung ương tổ chức sẽ là Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2017 (dự kiến tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh). Bên cạnh các hoạt động như hội thảo, hội nghị, tập huấn, tổ chức mít tinh, tuần hành, treo băng rôn, khẩu hiệu, dự kiến Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động để kết nối người tiêu dùng và doanh nghiệp như: Các chương trình tri ân người tiêu dùng; các sự kiện đường phố; thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Các hoạt động tại địa phương do UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện. Các đơn vị tham gia phối hợp bao gồm: Các Sở, ban, ngành ở địa phương, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương. Nội dung tổ chức các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 tại địa phương có thể tham khảo các nội dung nêu tại hoạt động ở cấp Trung ương hoặc tùy theo yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương có thể tổ chức các hoạt động khác...
Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích thực hiện trong cả năm. Tuy nhiên, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 được định hướng tổ chức trong tháng 3/2017.
Kế hoạch 9701/KH-BCT cũng yêu cầu: Trước ngày 30/4/2017, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá và gửi báo cáo kết quả triển khai các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương và đơn vị về Bộ Công Thương và trước ngày 30/6/2017, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên toàn quốc.
Nguồn Báo Công Thương điện tử